Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ung thư tăng lên khi bệnh tiến triển nhưng nhiều người vẫn bỏ qua cho đến khi không thể chịu đựng được.
Thật không may, việc không đi khám khi có các triệu chứng sớm làm xấu đi đáng kể tiên lượng của bệnh ung thư. Người bệnh có thể áp dụng các liệu pháp nhằm thu nhỏ khối u, nhưng đôi khi các bác sĩ nhận định việc điều trị có nhiều rủi ro hơn lợi ích.
Các báo cáo ghi nhận, hầu hết các bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn nặng đều có cùng triệu chứng “suy nhược”.
Hiệp hội Ung thư Mỹ giải thích: “Mệt mỏi khiến người bệnh không thể làm mọi việc với tốc độ bình thường. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và cảm xúc của họ”.
Cơ quan y tế của Mỹ cho biết thêm: “Hầu như tất cả những người bị ung thư giai đoạn cuối đều có triệu chứng này. Ở giai đoạn tiến triển, ung thư khó chữa khỏi hoặc kiểm soát hiệu quả. Khi đó, khối u đã xâm lấn mô lân cận, các hạch bạch huyết và bộ phận khác của cơ thể”.
Nguyên nhân chính của sự mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư là sự gián đoạn nồng độ hormone trong cơ thể, thường thấy ở các bệnh như ung thư vú và tuyến tiền liệt. Khi số lượng tế bào ung thư trong cơ thể cao hơn, mệt mỏi có thể dẫn đến chán ăn, không muốn vận động.
Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh chia sẻ: “Một số bệnh ung thư tạo ra chất cytokine. Đây là một nhóm protein trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, nồng độ cytokine cao có thể gây viêm, dẫn tới mệt mỏi”.
Báo cáo đăng trên tạp chí y khoa BMC Primary Care đã mô tả kiểu mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối là “điểm yếu không thể chịu nổi”. Theo đó, “yếu ớt” là triệu chứng thường xuyên, xuất hiện ở 57% bệnh nhân được chăm sóc giảm nhẹ.
Phòng khám Cleveland mô tả mệt mỏi do ung thư là “sự tê liệt” có thể xuất hiện đột ngột. Dù người bệnh có ngủ bao nhiêu cũng không cải thiện được tình hình. Họ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi về thể chất, cảm xúc và tinh thần.
Hiệp hội Ung thư Mỹ bổ sung, các bệnh nhân thường mô tả sự mệt mỏi là cảm giác bơ phờ, kiệt sức có thể giảm trong một thời gian nhưng sau đó quay trở lại. Ngoài ra, bệnh nhân còn có những cơn đau không thể chịu nổi.
Cơn đau ở những bệnh nhân mắc bệnh nan y thường được coi là mạn tính vì có xu hướng kéo dài hơn cơn đau do các vấn đề khác gây ra. Ở người mắc ung thư, cơn đau thường kéo theo một số biến chứng khác như cáu kỉnh, ngủ không ngon giấc, giảm cảm giác thèm ăn, mất tập trung.