Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, ứng dụng chuyển đổi số đã đem lại những kết quả tích cực.
- Sở KH&CN đánh giá, đâu là điểm nổi bật trong quá trình chuyển đổi số của đơn vị thời gian qua?
Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt thực hiện các nhiệm vụ KH&CN tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu, có khả năng bứt phá trong thời gian tới.
Tôi nêu ra một vài ví dụ cụ thể như, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhận diện, cảnh báo một số loại sâu, bệnh hại lúa trên địa bàn tỉnh Bình Định; ứng dụng AI trong tự động chuyển đổi văn bản chữ viết tiếng Việt sang phát thanh tiếng Bana Kriêm (giúp đồng bào Ba Na Kriêm tại địa phương tiếp cận chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và các thông tin thời sự hàng ngày).
Ngoài ra, Sở cũng xây dựng hệ thống tham quan ảo phục vụ hoạt động phổ biến kiến thức khoa học tại Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo….
Về quản trị công, khi chúng tôi sử dụng hệ thống Văn phòng điện tử trong xử lý công việc, hầu như không sử dụng văn bản giấy. Hiện nay, việc giao dịch với các cơ quan Thuế, Kho bạc, BHXH cũng sử dụng chữ ký điện tử, trực tuyến, rất thuận tiện.
Khi tiến hành số hoá, các hồ sơ, tài liệu có thể tìm kiếm dễ dàng, đảm bảo an toàn thông tin. Nhờ đó, việc điều hành của lãnh đạo đơn vị thuận tiện hơn thông qua các hệ thống phần mềm điện tử.
Phía lãnh đạo Sở cũng quan tâm, tạo điều kiện cho công chức, viên chức và người lao động tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng kỹ năng trong chuyển đổi số. Chúng tôi khuyến khích nhân sự phát triển, ứng dụng các sáng kiến về lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn, ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu, cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh như AI, chuỗi khối (Blockchain).
Với chuyển đổi số, thời gian qua, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ Sở về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công việc được nâng cao; hệ thống phần mềm quản lý ngành trong điều hành hoạt động được hoàn thiện; chỉ số xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin của Sở KH&CN đã được nâng cao.
Có thể nói rằng, ứng dụng chuyển đổi số đã đem lại những kết quả tích cực.
- Với những kết quả như vậy, Sở KH&CN sẽ thực hiện các các công việc gì trong thời gian tới để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chuyển đổi?
Ngày 13/11 vừa qua, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Sở KH&CN đã được thành lập. Trước mắt, chúng tôi tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh về đẩy mạnh chuyển đổi số. Hiện, đã có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số năm 2023, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch Chuyển đổi số của ngành khoa học và công nghệ tỉnh năm 2023…
Sở đang tăng cường triển khai xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh. Chúng tôi đã phối hợp với Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) xây dựng hệ thống bán vé điện tử phục vụ tại Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo; Phối hợp với Công ty TNHH Sáng tạo TMA xây dựng hệ thống tham quan ảo phục vụ du khách từ xa thông qua các nền tảng số tại Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, Khu đô thị Khoa học và giáo dục Quy Hòa (TP.Quy Nhơn) đã được quy hoạch gồm 3 phân khu: Khu hội tụ khoa học (Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, viện nghiên cứu, trường kỹ sư chất lượng cao...); Khu công viên khoa học và trung tâm phần mềm (gồm các hoạt động vui chơi khoa học, nhà mô hình vũ trụ, nhà nghiên cứu phần mềm...); Khu tái định cư và biệt thự nghỉ dưỡng của các chuyên gia.
Tỉnh đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện trình Trung ương cho thí điểm đề án phát triển Khu Đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn 2035 với định hướng phát triển Quy Nhơn thành một thành phố khoa học hàng đầu Việt Nam.
Địa phương đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2000 Khu đô thị Khoa học và giáo dục Quy Hòa; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/500 Tổ hợp Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software.
Chúng tôi có dự án Công viên sáng tạo TMA của Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh Bình Định đầu tư xây dựng bao gồm xưởng sản xuất phần mềm kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu về công nghệ - kỹ thuật mới, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/máy học, ứng dụng IoT (internet vạn vật).
Dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT software do Công ty TNHH Phần mềm FPT đầu tư đã khởi công xây dựng tại Khu đô thị khoa học Quy Hòa.
- Có thể thấy, tỉnh đang có định hướng đẩy mạnh phát triển công cao và chuyển đổi số, nhằm thu hút các nhà đầu tư?
Bình Định có nhiều lợi thế về tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển công nghệ cao so với nhiều địa phương khác. Rõ ràng, đây là tiền để tốt để các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn quan tâm. Chúng tôi hội tụ nhiều thế mạnh về kinh tế, xã hội, hạ tầng.
Bình Định - Quy Nhơn đang thu hút nhiều công ty công nghệ, những nhà đầu tư lớn, trong đó có các dự án của Công ty TMA Bình Định; Trung tâm công nghệ AI do Tập đoàn FPT đầu tư tại khu Long Vân Bình Định.
Nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định, thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, cũng như đào tạo nguồn nhân lực, Bình Định có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Về phần mình, Sở KH&CN đã ban hành Kế hoạch Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, chú trọng thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp KH&CN đầu tư vào tỉnh.
Chúng tôi đẩy mạnh thông tin, tổ chức các hội thảo, hội nghị về phát triển doanh nghiệp KH&CN và đổi mới công nghệ. Sở chức năng cũng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng KH&CN; thực hiện chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp hình thành, phát triển doanh nghiệp KH&CN.
Tỉnh luôn tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư của địa phương, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bình Định với các doanh nghiệp công nghệ cao.
Hiện, Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định là một phần của Khu đô thị Khoa học và giáo dục Quy Hòa đã được Chính phủ phê duyệt Đề án kết nạp Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông tham gia thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Như vậy, các doanh nghiệp công nghệ thông tin khi đầu tư tại Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định sẽ được hưởng các chính sách, ưu đãi áp dụng đối với khu công nghệ thông tin tập trung theo quy định của pháp luật.
Trần Chung - Diễm Phúc