Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, có 70% cơ sở dữ liệu về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi; giám sát dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi; truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.
Cùng với đó, Chi cục sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và bản đồ dịch bệnh tỉnh Bình Định; 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực chăn nuôi được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử
Đối với thủ tục hành chính, đơn vị này hướng đến 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh Bình Định và cả thiết bị di động. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết phấn đấu đạt từ 70% trở lên.
Còn theo mục tiêu xa hơn, đến năm 2030, ngành phấn đấu đạt 100% cơ sở dữ liệu quản lý về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và giám sát dịch bệnh được số hóa, lưu trữ tập trung, chia sẻ trên hệ thống dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở của tỉnh.
Về trao đổi hàng hoá, Chi cục muốn 100% cơ sở sản xuất chăn nuôi khi có nhu cầu sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn đăng tải và kinh doanh các sản phẩm nông sản của trên sàn thương mại điện tử của tỉnh hoặc các kênh bán hàng online.
Trao đổi với VietNamNet về quá trình đẩy mạnh số hoá, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bình Định, cho hay, cơ quan này đang phối hợp, triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ NN&PTNT, các Cục chuyên môn của Bộ để phục vụ kết nối với nền tảng tích hợp.
Chi cục cũng sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, giám sát dịch bệnh do các cơ quan chuyên môn triển khai.
Để hình thành nền tảng dữ liệu số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, Chi cục Chăn nuôi và thú ý Bình Định sẽ phối hợp với các cơ quan về công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về dịch bệnh động vật, chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, ứng dụng quản lý thuốc thú y, vaccine, đồng thời sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu do Cục Chăn nuôi triển khai trong thời gian tới trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm smartphone.
“Tỉnh hướng tới mô hình 4.0 trong quản lý chăn nuôi nhằm phục vụ công tác quản lý trang trại theo quy mô, quản lý thú ý, quản lý cửa hàng mua bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Từ đó, chúng tôi nắm được thông tin cụ thể số lượng gia súc, gia cầm biến động trên địa bàn. Quan trọng nhất là phát hiện kịp thời nếu có dịch bệnh phát sinh để can thiệp sớm, tránh lây lan”, ông Diệp nói.