Phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định được UBND cho triển khai xây dựng vào tháng 10/2022, đến nay (tháng 8/2023) đã cơ bản hoàn chỉnh các chức năng (gồm cơ sở dữ liệu nền thiên tai và 7 kịch bản ứng phó với bão, lũ lớn).
Cuối tháng 8/2023, tỉnh sẽ tổ chức diễn tập vận hành ứng phó với tình huống bão, lũ (tham gia của UBND 159 xã, phường, thị trấn, UBND 11 huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ngành liên quan và lãnh đạo UBND tỉnh) để đánh giá khả năng đáp ứng của phần mềm trước khi đưa vào sử dụng chính thức trong mùa mưa bão, lũ năm nay.
Giám sát, điều hành thông qua phần mềm
Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Bình Định Hồ Đắc Chương chia sẻ, phần mềm đã xây dựng cơ sở dữ liệu nền về ứng phó thiên tai về sơ tán dân (theo hình thức xen ghép, tập trung), chi tiết đến từng hộ dân của 404.787 hộ gia đình/1.483.649 nhân khẩu.
“Tại đây, chúng tôi sẽ chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng chống thiên tai (về lực lượng ứng phó thiên tai, phương tiện - vật tư - trang thiết bị, lương thực - thực phẩm, địa điểm sơ tán tập trung, danh bạ thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS) của UBND cấp xã, UBND cấp huyện và số liệu của các sở, ngành trên địa bàn tỉnh”, ông Chương nói.
Phần mềm gồm các chức năng chính như giám sát điều hành, thu thập thông tin, kế hoạch ứng phó thiên tai, phương án ứng phó, báo cáo thiệt hại, giám sát khu neo đậu…
Ông Chương giải thích, phần mềm đã xây dựng 7 kịch bản ứng phó với bão (4 kịch bản của bão nhẹ, mạnh, siêu bão), với lũ (3 kịch bản lũ lớn) với chức năng theo dõi trực tuyến công tác sơ tán dân theo thời gian thực, công tác điều hành trực tuyến việc điều động lực lượng ứng phó, điều động phương tiện, vật tư, trang thiết bị và xuất cấp lương thực thực phẩm khẩn cấp, báo cáo thiệt hại do thiên tai theo thời gian thực của UBND cấp xã.
Thời gian qua, cán bộ vận hành trực tiếp phần mềm của cấp xã, cấp huyện đã được tập huấn từ cơ bản đến chuyên sâu đủ khả năng thực hiện thành thạo các thao tác trên phần mềm. Sau đợt diễn tập cuối tháng 8, phần mềm sẽ được đánh giá và bổ sung hoàn chỉnh các chức năng, cùng với quy trình quản lý vận hành phần mềm được UBND tỉnh phê duyệt.
Đồng thời, theo dõi trực tuyến số lượng tàu cá ở vùng nguy hiểm do bão, quản lý tàu cá vào các khu neo đậu, báo cáo trực tuyến tình hình ứng phó của các sở ngành về tàu hàng ở vùng nước cảng biển Quy Nhơn, tình hình giao thông, hồ chứa và theo dõi tổng hợp các đề xuất hỗ trợ khẩn cấp của địa phương và các cơ quan.
Số hoá dữ liệu: Tránh hậu quả xấu khi thiên tai xảy ra
Phần mềm hỗ trợ xác định ngay danh sách hộ dân phải sơ tán, UBND cấp xã cử ngay lực lượng Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã đến hỗ trợ sơ tán đến các khu sơ tán tập trung.
Nhận xét về những khó khăn trong quá trình vận hành, lãnh đạo Sở NN&PTNN tỉnh Bình Định cho hay, phòng chống thiên tai là công tác liên ngành, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tác động của thiên tai là toàn xã hội nên công tác số hóa nội dung PCTT là phức tạp. Hiện nay phần mềm đang cập nhật đưa dần các nội dung ứng phó thiên tai từ ứng phó thực tế vào phần mềm để giữa vận hành trên phần mềm là thống nhất, hiệu quả.
"Tuy nhiên, chúng tôi xác định công tác số hoá dữ liệu bước đầu sẽ có khó khăn, cần trải qua thực nghiệm để dần hoàn chỉnh. Bởi nền dữ liệu cho phần mềm là rất lớn (hơn 400.000 hộ dân), các số liệu hộ dân và thông tin 4 tại chỗ đòi hỏi liên tục cập nhật mới để công tác ứng phó đúng theo hiện thời, nên việc rà soát, cập nhật liên tục và tốn nhiều nguồn lực cho UBND cấp xã. Phần mềm có nhiều chức năng, nên cán bộ vận hành cần nhiều thời gian để tiếp cận", lãnh đạo Sở NN&PTNN tỉnh Bình Định chia sẻ.
”Sau khi được tập huấn, chúng tôi tin tưởng rằng các cấp sẽ thuần thục hơn trong quá trình vận hành phần mềm. Từ đây, giúp chính quyền và người dân phối hợp nhịp nhàng, tránh những hậu quả xấu xảy ra khi thiên tai xảy ra”, ông Chương chia sẻ.
Công Sáng