Sự phát triển của khoa học và công nghệ tạo ra các sản phẩm ngày càng nhiều về số lượng và tốt về chất lượng, giúp cải thiện cuộc sống của con người. Nhưng mặt trái của nó là những hệ lụy nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh nền kinh tế yêu cầu sự phục hồi, kết hợp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, sự quan trọng của “kinh tế tuần hoàn” được đề cao, đặc biệt với các mô hình khởi nghiệp và kinh doanh bền vững.
Bảo đảm hài hòa giữa việc phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với môi trường
Tại Bình Dương, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm hài hòa giữa việc phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với môi trường. Đặc biệt, tỉnh nhất quán phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường và thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp (12.663 ha), 7 Cụm công nghiệp (476 ha) đang hoạt động ổn định. Theo định hướng tương lai, Bình Dương sẽ thực hiện khu, cụm công nghiệp chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp đang là xu thế chung của toàn thế giới. Do đó, các cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp ở nhiều quốc gia nói chung, Bình Dương cũng hướng đến theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính.
Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn trong khu vực tư nhân đang được thực hiện khá thành công, tạo ra nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Điển hình, một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực đã được triển khai trên địa bàn tỉnh là tại Khu công nghiệp VSIP III, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Với mục tiêu không khí thải carbon, tác động tích cực đến môi trường sẽ góp phần vào chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh.
Tương tự, nhà máy bia AB InBev (VSIP II-A) cũng đã vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, sản xuất được 840.600kWh/năm, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện đang sử dụng mỗi năm.
Mới đây, tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon trên diện tích 180 ha tại huyện Phú Giáo.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, hiện có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), gồm: Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên), khu NNCNC tại xã Tân Hiệp và xã Phước Sang (huyện Phú Giáo), khu NNCNC tại phường Vĩnh Tân (TP.Tân Uyên) và An Thái (huyện Phú Giáo) tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ được hệ sinh thái và phát triển bền vững. Tỉnh cũng phối hợp xây dựng bản đồ vùng trồng, gắn với các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Trong lĩnh vực môi trường, tỉnh đã đầu tư nhà máy sản xuất phân Compost với công suất 1.680 tấn/ngày để tái chế chất thải sinh hoạt, xây dựng nhà máy đốt rác thải phát điện với công suất 4,6MW (200 tấn rác thải/ngày); hệ thống thu hồi nhiệt từ lò đốt chất thải để phát điện với công suất 9,6MW; hệ thống thu hồi nhiệt từ các hố chôn lấp với công suất 1.600KVA; xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải đô thị. Các doanh nghiệp đều chấp hành quy định pháp luật và đầu tư công trình xử lý chất thải trước khi đi vào hoạt động.
Tăng cường tuyên truyền để nâng cao, thống nhất nhận thức
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cần phải có một kế hoạch rõ ràng các mục tiêu cụ thể để thực hiện kỹ lưỡng và có sự đồng thuận lớn của toàn xã hội. Đồng thời phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh (Chính phủ, người dân và doanh nghiệp).
Đồng thời, Để hội nhập sâu rộng hơn nữa nhằm bắt kịp các nước đã phát triển thì các doanh nghiệp nước ta phải vượt qua được những quy định khắt khe của các hiệp định thương mại liên quan tới bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, các tiêu chuẩn phát thải và tuần hoàn chất thải. Do vậy, việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang KTTH là bắt buộc.
Trên tinh thần đó, Bình Dương đã đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn với nền kinh tế carbon thấp, đáp ứng định hướng phát triển bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Cụ thể, tỉnh tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, pháp luật do Trung ương ban hành; tăng cường tuyên truyền để nâng cao, thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về phát triển kinh tế tuần hoàn; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất rừng, mặt nước; kiểm soát ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, sự cố môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản; quản lý hành lang bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; thường xuyên thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tăng cường các biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trên tất cả các ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tập trung nguồn vốn cho phát triển kinh tế tuần hoàn; tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, xanh, sạch, thân thiện.
Cửu Long