Phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ chuyển đổi số toàn diện của tỉnh; đồng thời làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ và giải pháp hoàn thành các mục tiêu đề ra…

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND về phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2025-2030.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025: Mạng băng rộng cố định đáp ứng Quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ với mục tiêu phổ cập được tới tất cả các thôn, ấp, khu phố; bảo đảm 100% số hộ có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu; với 90% người sử dụng có thể truy cập internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực trung tâm có thể truy cập internet với tốc độ trung bình 1 Gb/s.

Mạng băng rộng di động đáp ứng Quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G. 100% huyện, thị xã, thành phố, khu công nghiệp, khu vực công cộng trọng điểm, các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch có dịch vụ di động 5G. Thực hiện phủ sóng toàn bộ vùng lõm sóng di động và khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi người dân có 1 kết nối internet vạn vật (IoT-Internet of Things). Mỗi người dân có 1 định danh số. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%. 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ tỉnh đến cấp xã được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.

Mục tiêu đến năm 2030: 100% người sử dụng có khả năng truy cập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên. Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số. Xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G. Số lượng kết nối IoT đạt mức trung bình cao trong nước hoặc trung bình mỗi người dân 4 kết nối IoT.

Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%. Hạ tầng số đáp ứng yêu cầu của việc mở rộng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia. Ngầm hóa 100% hạ tầng mạng cáp viễn thông tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, tuyến đường mới; đối với các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, tuyến đường cũ đạt từ 25% trở lên.

75461_7243f7863c8b99d5c09a_06182223_03571524072024.jpg
Bình Phước phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số toàn diện của tỉnh...

UBND tỉnh đã đề ra 4 nhiệm vụ thực hiện, bao gồm: Hạ tầng viễn thông và internet; hạ tầng dữ liệu; hạ tầng vật lý - số; hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ.

Trong đó đáng chú ý là về hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ bao gồm: Phát triển hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ, trọng tâm là các nền tảng: định danh số; xác thực số; thanh toán số, hóa đơn số; tích hợp, chia sẻ dữ liệu; xác thực văn bản số; chữ ký số và chứng thực chữ ký số.

Tiện ích số được thiết kế để cung cấp hạ tầng mềm cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các chức năng cốt lõi của giao dịch số - bắt đầu từ danh tính số, thanh toán số, hóa đơn số, xác minh tài liệu số và trao đổi dữ liệu. Các tiện ích số và các nền tảng cung cấp công nghệ số như dịch vụ mới sẽ được phát triển đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số, xã hội số. Sử dụng dịch vụ công nghệ AI, blockchain, IoT để thông minh hóa, tự động hóa các hoạt động kinh tế, xã hội.

Để thực hiện hoàn thành mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đã đề ra 6 giải pháp thực hiện như: Hoàn thiện thể chế; ưu tiên phát triển hạ tầng số như hạ tầng giao thông, năng lượng; huy động nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng; đo lường, quản lý, giám sát; tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số.

Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh yêu cầu cần đảm bảo tính tuân thủ, tính kế thừa Chiến lược hạ tầng số, các chương trình hành động, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đảm bảo tính liên kết, thống nhất giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, các địa phương, doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ giữa các mục tiêu kế hoạch với nguồn lực, giải pháp, chính sách thực hiện; bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện quy hoạch.

Theo NK (Báo Bình Phước)