Sáng 6/9, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận dẫn đầu đoàn công tác đã khảo sát thực địa hiện trạng khu vực rừng được phê duyệt làm dự án hồ Ka Pét ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.
Đoàn cũng trực tiếp tới khu vực rừng đặc dụng (160ha) vùng lõi dự án mà báo chí phản ánh mấy ngày qua.
Hiện dư luận đặc biệt quan tâm về việc xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét sẽ “nhấn chìm” hơn 600 ha rừng tại địa phương này.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án chứa nước hồ Ka Pét được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2019. Sau đó, Quốc hội quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2020 và Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023.
Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là 874,089 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2019 đến hến năm 2025.
Mục tiêu đầu tư dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam và cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m3/năm.
Đồng thời tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết. Song song đó là phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận và tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Bình Thuận.
Chuyển hơn 600 ha rừng làm dự án hồ chứa nước
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tổng diện tích sử dụng đất của dự án hồ chứa nước Ka Pét là gần 698 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp gần 680 ha (đất có rừng là 619,58 ha), diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 93/2019/QH14, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án này.
Đến tháng 5/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Trong đó có nội dung điều chỉnh diện tích sử dụng đất của dự án, tăng lên gần 698ha.
Với diện tích kể trên, đất có rừng khoảng 620ha (giảm 60,83ha) gồm đất rừng đặc dụng là 137,95ha (giảm 24,6ha), đất rừng phòng hộ là 0,51ha (giảm 0,4ha), đất rừng sản xuất là 440,4ha (giảm 30,69ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha (giảm 5,13ha).
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào tháng 8/2022, do đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Mỏ Địa chất Miền Nam và đơn vị thực hiện lấy mẫu, đo đạc môi trường nền (Công ty TNHH Môi trường Dương Huỳnh, TP.HCM) cho biết dự án sẽ làm mất lớp phủ thực vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái nông nghiệp, gây mất nơi cư trú của động thực vật sinh sống trên khu đất dự án...Về lâu dài, mất rừng sẽ mang lại hệ lụy lớn như lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất.
Tuy vậy, ĐTM cho rằng, nhóm tác động do việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng khu đất dự án là khó tránh khỏi. Song tác động tích cực từ sự phát triển của dự án là hoàn toàn vượt trội hơn các tác động tiêu cực.
Còn theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án đến nay đã triển khai được công tác điều tra, kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng, cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng vào tháng 4/2022.
Về công tác trồng rừng thay thế, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế theo Điều 21 Luật Lâm nghiệp là 1.844,54 ha (trồng gấp 3 lần diện tích rừng bị thay thế). UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 3263/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (đợt I) với diện tích là 434,22ha, cho 144,74ha rừng tự nhiên.
Đối với phần diện tích cần trồng rừng thay thế còn lại 1.410,32ha, Sở NN&PTNT đang rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng, để bổ sung đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế của dự án.