Sau bài viết "Để trường học hạnh phúc, nên tặng điểm số tốt cho học sinh làm sức bật học tập?", diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?" nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả VietNamNet.

Dưới đây là bài viết của độc giả Thúy Hằng gửi về diễn đàn (nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả).

Một buổi học ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang thực hiện ở lớp 1,2,6 và bắt đầu thực hiện lớp 3,7,10 trong năm học 2022-2023. Tới năm học 2024-2025, Chương trình được thực hiện ở toàn bộ cấp học, bậc học. 

Đã có thể thấy rằng phương pháp đánh giá của Chương trình 2018 ở bậc tiểu học, THCS cho dù có nhiều đổi mới so với Chương trình Giáo dục phổ thông 2006, nhưng kết quả cả năm vẫn coi trọng điểm số. Dù không còn điểm trung bình chung trong tất cả các môn học nhưng vẫn còn so sánh học sinh này so với học sinh khác thông qua điểm số các môn, các danh hiệu khen thưởng…

Theo tôi, hiện nay vẫn còn hai xu hướng trong đánh giá người học.

Xu hướng thứ nhất là đánh giá thật, học sinh sẽ cố gắng học tập vì sợ giáo viên hay sợ ở lại lớp…  

Tôi cho rằng quan điểm này có thể không phù hợp với giai đoạn hiện nay, không phù hợp với mục tiêu phổ cập, bởi khi đó sẽ có nhiều học sinh ở lại lớp, dẫn đến tình trạng bỏ học, các em sẽ là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Bên cạnh đó, một số giáo viên sẽ lợi dụng cho điểm rất khó để lôi kéo học thêm thu tiền, trù dập học sinh…

Do đó, theo xu hướng thứ hai, tôi cho rằng ở tiểu học, THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh hình thành năng lực và phẩm chất cơ bản, học sinh có thể học tốt môn này, chưa tốt ở môn khác là điều hết sức bình thường. Nếu vì học sinh yếu 1, 2 môn mà cho ở lại lớp, khiến các em bỏ học đã không còn phù hợp trong tình hình hiện nay.

Để chấm dứt bệnh thành tích, chấm dứt việc giao chỉ tiêu, giáo viên chú trọng vào “dạy người” hơn dạy chữ, tôi cho rằng nên đánh giá học sinh ở bậc tiểu học, THCS ở tất cả các môn bằng nhận xét và hạn chế tối đa học sinh ở lại lớp.

Việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, vì vậy không nên đánh giá xếp loại học sinh tốt, khá hay chưa đạt làm cho các em mặc cảm… 

Theo tôi, cũng nên bỏ điểm số các môn học từ tiểu học đến THCS. Chỉ đến bậc THPT, khi học sinh được lựa chọn các môn định hướng nghề nghiệp thì có thể đánh giá bằng điểm số để định lượng khả năng học tập, định hướng nghề nghiệp chính xác hơn.

Với xu hướng thứ hai này, học sinh học môn nào sẽ được nhận xét về phẩm chất và năng lực cần đạt của môn đó mà không cộng các môn lại để đánh giá giỏi hay chưa đạt.

Bỏ xếp loại giỏi, yếu, kém tức là sẽ không còn thi lại, ở lại lớp, học sinh sẽ biết mình đạt năng lực môn nào, chưa đạt môn nào. Sẽ không còn lạm phát danh hiệu học sinh giỏi, cũng sẽ không còn học sinh bị o ép học thêm vì loại giỏi hay vì sợ phải thi lại, ở lại lớp nếu không học thêm.

Làm được điều này, giáo viên cũng không còn phải chạy theo chỉ tiêu, thành tích như hiện nay.

Khi không còn lo sợ phải ở lại lớp, không còn lo phải học thêm vì điểm số thấp, không còn lo bị phụ huynh lên án vì điểm thấp…, học sinh sẽ cảm thấy hạnh phúc, trường học sẽ hạnh phúc.

Thúy Hằng (giáo viên THCS)

Ban Giáo dục Báo VietNamNet mở diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?".

Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn.

Xin chân thành cảm ơn.