Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết.
Khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.
Quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).
Theo Tướng Phạm Công Nguyên, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định trên trong thực tế.
Với những đề xuất nghiên cứu mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện giao thông, theo Thiếu tướng Nguyên thì phải nghiên cứu, đánh giá thận trọng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.
Trước đó, trong thảo luận tại tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đề cập đến quy định cấm tuyệt đối người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), việc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là không thực tế. Đại biểu đoàn Bình Dương nêu, nhiều người tối hôm trước liên hoan, sáng hôm sau đo vẫn còn nồng độ cồn. Trong khi đó họ vẫn tỉnh táo để bảo đảm đi làm bình thường.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Phạm Như Hiệp (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng, nếu cấm ngặt như vậy thì người điều khiển xe thô sơ cũng vi phạm và bị xử lý. Do vậy, theo ông, "nếu uống một chút rượu" mà đi xe đạp cũng bị phạt thì quá trình triển khai luật sẽ phức tạp.
Ngoài ra, theo đại biểu, việc cấm người uống rượu tham gia giao thông ngay thì đã rõ. Nhưng thực tế, việc người dân uống rượu từ tối hôm trước mà sáng hôm sau đi làm, trong máu vẫn còn nồng độ cồn, nếu phạt thì chưa hợp lý. Do vậy, đại biểu Phạm Như Hiệp đề nghị nên quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) đề xuất nghiên cứu một tỷ lệ nhất định để giới hạn nồng độ cồn cho phép trong khí thở và trong máu, không nhất thiết cứ có nồng độ cồn là bị xử phạt. Ông Ấn nêu ý kiến cho rằng: "Luật của các nước trên thế giới về cơ bản họ đều có tỷ lệ nhất định nào đó, ta cũng nên nghiên cứu".