Nghị định 80 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 3/7, quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Để triển khai thống nhất và hiệu quả Nghị định 80 trong phạm vi cả nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên môn về điện lực thực hiện kiểm tra giám sát đơn vị phát điện năng lượng tái tạo; khách hàng sử dụng điện lớn thuộc phạm vi quản lý trong việc tuân thủ quy định tại Nghị định 80 và các quy định pháp luật có liên quan.
Cụ thể, quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư (bao gồm sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt); quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực; quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và an toàn trong sử dụng điện; quy định về mua bán điện và hợp đồng; các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương có trách nhiệm theo dõi, quản lý danh sách khách hàng sử dụng điện lớn thuộc phạm vi quản lý thực hiện mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng theo quy định.
Đồng thời, các địa phương cần thực hiện kiểm tra, giám sát và giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp theo phạm vi khu vực quản lý.
Bên cạnh văn bản gửi các địa phương, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi EVN và các đơn vị trực thuộc liên quan nhằm triển khai Nghị định 80.
Chia sẻ với VietNamNet, một DN năng lượng tái tạo cho biết: Các DN lớn sử dụng điện và các nhà sản xuất điện đang rất hào hứng với Nghị định này. Đặc biệt, ngay sau khi Nghị định được ban hành chưa đến 2 tuần, Bộ Công Thương đã có những bước triển khai rất chi tiết để giải quyết các vướng mắc trong việc xác định các vấn đề chi phí về truyền tải và vận hành hệ thống điện.
"Với động thái này, ngay khi có giá đầy đủ, đơn vị sử dụng điện lớn và các nhà sản xuất điện có thể ngồi lại đàm phán hợp đồng này", nhà đầu tư này cho biết.