Giai đoạn thanh tra từ 1/1/2021 đến 31/5/2022. Theo đó, hàng loạt các sai sót của các địa phương đã được Thanh tra Bộ chỉ ra.
Kết luận cho hay, UBND tỉnh Khánh Hòa thành lập các Hội đồng lựa chọn SGK lớp 6, lớp 7, lớp 10 song có một số hội đồng chưa bảo đảm thành phần theo quy định (có ít nhất 2/3 thành viên tham gia hội đồng là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó).
UBND tỉnh Đắk Lắk công bố danh mục SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 chậm 2 tháng so với quy định. Thiếu sót trong khâu giao nhiệm vụ cho giáo viên của tổ chuyên môn không đúng chuyên môn nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các SGK (Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Krong Pak và Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk).
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, trong quá trình lựa chọn SGK, các hội đồng lựa chọn SGK của tỉnh Kiên Giang, tỉnh Long An và các hội đồng lựa chọn SGK trung học tỉnh Đồng Tháp không xây dựng báo cáo UBND tỉnh về quá trình thực hiện nhiệm vụ và tiếp thu ý kiến lựa chọn SGK của các trường trung học theo quy định.
Tỉnh Khánh Hòa không tổ chức lựa chọn từ cơ sở giáo dục đối với 2 môn học Âm nhạc, Mĩ thuật (lý do không có giáo viên) ở cấp THPT là vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm thanh tra, đối với lớp 10, chỉ có 31/40 trường THPT tổ chức chọn đối với môn Âm nhạc và có 16/40 trường THPT tổ chức lựa chọn môn Mĩ thuật, chưa thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực, tỉnh Kiên Giang, thiếu minh chứng thể hiện việc hướng dẫn các tổ chuyên môn, giáo viên lựa chọn SGK lớp 10; một số biên bản lựa chọn SGK không đúng quy định.
Do đó, Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu UBND các tỉnh tổ chức rà soát, rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật (nếu có) đối với tập thể, cá nhân để xảy ra thiếu sót, hạn chế, vi phạm trong lựa chọn SGK. Cùng đó, báo cáo kết quả khắc phục về Bộ GD-ĐT sau 45 ngày kể từ ngày 5/1.