Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Bình Thuận, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, TT-Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Quảng Ngãi, An Giang về việc đôn đốc triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” đợt 2.
Trong đó, Bộ GD-ĐT cho rằng, quá trình mua sắm đã kéo dài suốt từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Một số nơi có biểu hiện chiếm dụng tiền tài trợ để gửi ngân hàng lấy lãi.
Lần đầu tiên thực hiện
Trao đổi với VietNamNet, bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, việc triển khai chương trình vẫn đang được lãnh đạo Sở quan tâm, thực hiện.
Đến thời điểm hiện tại, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận số tiền và hiện vật tài trợ cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” trị giá hơn 38,36 tỷ đồng.
Ngay khi tiếp nhận các khoản tài trợ, đơn vị này đã tổ chức đấu thầu, triển khai hợp đồng và tổ chức trao máy tính bảng đợt 1, năm học 2021 - 2022 cho 650 em học sinh; bàn giao đợt 2 máy tính bảng cho 10.000 học sinh trong năm học 2022-2023.
Hiện nay, Sở GD-ĐT đang hoàn thiện triển khai thực hiện hợp đồng đợt 3 để trao tặng máy tính bảng cho 4.280 học sinh.
“Tỉnh đã tham mưu triển khai thực hiện đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu nhằm mục tiêu chọn được nhà thầu đủ năng lực và mua sắm được thiết bị có giá cả thấp nhất đảm bảo tiết kiệm theo quy định. Quá trình thực hiện, Sở GD-ĐT đều tuân thủ quy trình, thủ tục đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng”, bà Hương khẳng định,
Lý giải về việc bị Bộ GD-ĐT “điểm tên” chậm trễ trong việc thực hiện, bà Lê Thị Hương cho hay, do thiết bị có số lượng lớn, yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật với các tính năng nổi trội đảm bảo an toàn cho học sinh nên các quy định về tiêu chuẩn hiện hành chưa quy định đầy đủ.
Trong khi đó, việc tham khảo ý kiến đánh giá từ các chuyên gia đấu thầu, ý kiến về công nghệ từ Sở Thông tin và Truyền thông mất nhiều thời gian.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho rằng, những đánh giá trên là cần thiết để đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu đúng quy định.
Tuy nhiên, thực tế triển khai tại địa phương đã phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc về thủ tục, pháp lý trong việc thẩm định giá, chất lượng máy tính, công tác đấu thầu. Thủ tục mua sắm thiết bị cũng rườm rà, kéo dài.
"Do đây là lần đầu tiên ngành giáo dục địa phương thực hiện một chương trình có quy mô kinh phí lớn, vì 'chưa có tiền lệ' nên mỗi nơi thực hiện một kiểu. Sự chồng chéo giữa cơ chế hỗ trợ từ Bộ và các quy định địa phương đã khiến việc triển khai thêm khó và kéo dài”, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị chia sẻ.
Làm kỹ các bước nên chậm trễ
Tại TT-Huế, ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết, hiện TT-Huế đã gần như hoàn tất các thủ tục để đấu thầu cung cấp thiết bị máy tính và dự kiến những tuần đầu năm 2023 sẽ trao máy cho học sinh.
"Chương trình 'Sóng và máy tính cho em' là hoạt động mang nhiều ý nghĩa do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời có sự tham gia của các nhà tài trợ. Vì vậy, quy trình thủ tục phải làm chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của các em học sinh cũng như uy tín của nhà tài trợ, tránh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình mua sắm trang thiết bị. Tất nhiên, khi làm chặt chẽ thì nó có hơi chậm một chút”, ông Tân chia sẻ.
Đến nay, kinh phí dành cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” Huế là hơn 11,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn hỗ trợ từ chương trình do Thủ tướng phát động là 10 tỷ đồng. Công đoàn giáo dục kêu gọi sự quyên góp, hỗ trợ từ các mạnh thường quân được hơn 1,5 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế cho hay, tỉnh này không vướng các thủ tục, quy định về tài chính, mua sắm như các địa phương khác.
Lý giải nguyên nhân TT-Huế nằm trong danh sách nhắc nhở vì chậm muộn, Giám đốc Sở Nguyễn Tân cho hay: “TT-Huế làm kỹ các bước chứ không có vấn đề gì tiêu cực trong việc tiến hành chậm cả. Văn bản của Bộ GD-ĐT cũng nhắc nhở nhiều địa phương".
"Việc chậm trễ đến giờ chưa thực hiện được cũng một phần do các đơn vị tài trợ họ còn phải gom nguồn kinh phí từ nhiều nơi, nhiều nguồn chứ không phải một lúc họ có hết được. Khi có tiền đó về, địa phương mới thực hiện được các thủ tục mua sắm. Nguồn kinh phí này rất quý nên mình phải làm chặt chẽ, dẫn đến chậm.
Việc chậm trễ này không ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập của học sinh nhưng chúng tôi đang tiến hành rốt ráo. Dự kiến, trong tháng đầu tiên của năm 2023 chúng tôi sẽ hoàn thành chương trình”, ông Tân khẳng định.