Thí điểm dùng học bạ điện tử

TS Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), cho hay Bộ đã có thông tư khuyến khích các nhà trường sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử. Các trường học, địa phương cũng đã bắt tay triển khai, thậm chí có những nơi đã triển khai trong phạm vi toàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, các trường khác tỉnh không đồng nhất.

“Vì vậy, lãnh đạo Bộ GD-ĐT chỉ đạo các vụ, cục phải thí điểm triển khai việc này. Mô hình trên toàn quốc và sau đó đánh giá chính xác kết quả mô hình sẽ có hướng dẫn, thể chế để thực hiện. Hiện nay, các vụ, cục của Bộ đang trong quá trình thực hiện”, ông Hải nói.

W-nguyen-son-hai-5.jpg
TS Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT. 

Ông Hải cho hay, học bạ điện tử là một dạng điện tử của học bạ, có chữ ký xác thực của người và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý và có thể sử dụng như học bạ giấy và sử dụng trên môi trường số.

Theo ông Hải, nếu làm được học bạ điện tử sẽ mang lại lợi ích xã hội, cho nhà trường, giáo viên, học sinh… rất lớn.

Ông Hải lấy dẫn chứng thuận tiện trong việc lưu trữ, quản lý và sử dụng học bạ ở các nhà trường. “Hiện nay, học bạ của chúng ta là giấy và có thể nhàu nát, để lâu có thể bị mối mọt, thậm chí bị hỏng. Nhưng học bạ điện tử công tác lưu trữ rất tốt”.

Thứ hai là giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và nhà trường.

“Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để tái cấu trúc, quy trình học bạ điện tử để làm sao cho đảm bảo yêu cầu nhưng đơn giản. Ví dụ, hiện nay học bạ khối trung học, giáo viên bộ môn phải ký. Việc này sau này chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu xem có cần thiết giáo viên bộ môn phải ký vào học bạ, hay chỉ cần hiệu trưởng nhà trường ký là được”, ông Hải nói.

Thứ ba, minh bạch hóa quá trình quản lý kết quả học tập, rèn luyện và đặc biệt hạn chế các bất cập về sửa kết quả học tập học sinh.

“Giải pháp học bạ điện tử sẽ hạn chế tối đa việc đó. Khi chúng ta minh bạch việc sửa sẽ rất khó, từ đó hạn chế tác động tiêu cực đang gặp phải hiện nay khi sử dụng học bạ giấy”.

Tuy nhiên, ông Hải cho hay, Bộ GD-ĐT cũng xác định chuyển đổi số trong giáo dục cốt lõi, quan trọng nhất vẫn là trong dạy – học, kiểm tra đánh giá. 

Theo ông Hải, kiểm tra đánh giá hiện nay vẫn chủ yếu là giáo viên phải làm: ra đề, tổ chức thi, chấm bài, chấm điểm... “Một khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt với thầy cô nào dạy nhiều lớp”.

Do đó, định hướng chuyển đổi số trong kiểm tra đánh giá mà Bộ GD-ĐT hướng tới là tăng cường hình thức đánh giá trực tuyến (đối với các bài kiểm tra thường xuyên) và tăng cường thi trên máy tính (đối với các bài thi định kỳ).

“Tới đây, giáo dục phổ thông sẽ phải quyết tâm, quyết liệt làm việc này. Nếu làm được thi định kỳ trên máy tính, lợi ích sẽ rất lớn. Thứ nhất là công khai, minh bạch khi chất lượng đề thi cùng mặt bằng, việc chấm thi do máy và không có tác động của con người. Từ đó nâng cao chất lượng việc đánh giá. Thứ hai là giảm rất nhiều áp lực, công việc cho các thầy cô khi thực hiện việc này. Điểm số sau khi học sinh thi xong cũng có thể tự động cập nhật vào phần mềm quản lý”, ông Hải nhấn mạnh.

Xây dựng đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong đào tạo đại học, theo ông Hải, Bộ GD-ĐT đang cùng các trường ĐH xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến mở, dùng chung cho các trường đại học (MOET-MOOC).

“Đó là hệ thống chung và sinh viên của các trường sẽ chung học liệu, khóa học trên đó. Trước mắt, có 7 nhóm ngành đào tạo chính được số khóa các khóa học và sẽ do 7 cơ sở đào tạo chủ trì, phối hợp với các trường liên quan tham gia xây dựng và sử dụng chung trên hệ thống.

Tức các trường sẽ cùng nhau tham gia xây dựng các khóa học và đưa lên nền tảng này. Qua đó, các cơ sở đào tạo có thể thống nhất, công nhận tín chỉ lẫn nhau của các khóa học trực tuyến trên hệ thống. Như vậy, tới đây, sinh viên của trường này có thể học khóa học của trường khác nếu được trường mình công nhận tín chỉ”.

Hiện, Bộ GD-ĐT đang xây dựng và chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số này.

Hoài Linh và nhóm PV, BTV