Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).
Liên quan tới vấn đề giá sách giáo khoa, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho biết, trước đây khi trao đổi về giá sách giáo khoa đã nêu một thực tế là việc mua sách giáo khoa trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh học sinh.
Nguyên nhân chính là do các đơn vị phát hành sách thông qua nhà trường bao giờ cũng bán kèm sách giáo khoa với một số lượng sách tham khảo rất lớn.
ĐB Kim Thúy hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã tiếp thu ý kiến này để ban hành chỉ thị yêu cầu chấm dứt tình trạng "đóng gói chung sách giáo khoa và sách tham khảo để buộc học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào". Bà cho biết, qua theo dõi thực tế cơ bản chỉ thị đã được thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết tại kỳ họp thứ 4, trong phiên thảo luận đã đề nghị Luật Giá (sửa đổi) giao Chính phủ quy định giá sách giáo khoa dưới hình thức khung giá bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu như đối với các mặt hàng khác được Nhà nước định giá. Bộ trưởng Tài chính, Trưởng Ban soạn thảo Hồ Đức Phớc khi đó đã phát biểu trước Quốc hội tiếp thu ý kiến này.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu dự thảo luật trình ra Quốc hội lần này để xem xét thông qua, lại không phản ánh ý kiến tiếp thu. Ban soạn thảo cũng không có giải trình ý kiến này.
Nữ ĐB phân tích, các quy định có trong Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
Tuy nhiên, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 thể hiện quan điểm khác với Nghị quyết 88 khi không trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục mà cho UBND cấp tỉnh.
Vì vậy, bà Thúy đề nghị trong trường hợp Quốc hội nhận thấy chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Quốc hội khóa XIII đề ra có nhiều bất cập nên sửa Nghị quyết 88 chấm dứt việc thực hiện chủ trương này.
Trong trường hợp ngược lại thì Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương. ĐB TP Đà Nẵng đề nghị cần giải trình, làm rõ ý kiến liên quan đến giá sách giáo khoa.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi báo cáo Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đều đồng thuận không quy định giá sàn sách giáo khoa, chỉ quy định giá trần, để đảm bảo quyền lợi của người mua sách là học sinh, phụ huynh.
Theo ý kiến của Bộ Tài chính, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Trước đó, mặt hàng này được Bộ GD-ĐT đề nghị bổ sung vào danh mục do Nhà nước định giá và Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng đã thống nhất chủ trương.
Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện KT-XH; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.