Trong dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ GTVT vừa trình Chính phủ kiến nghị sáp nhập Vụ Khoa học - Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường.

Sáp nhập Vụ Đối tác công tư (PPP) vào Vụ Kế hoạch - Đầu tư, giải thể Vụ An toàn giao thông và chuyển nhiệm vụ quản lý kết cấu hạ tầng về Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển nhiệm vụ về vận tải về Vụ Vận tải.

Đối với Vụ Quản lý doanh nghiệp do đang là đầu mối chủ trì, giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước trực thuộc. Sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu các doanh nghiệp sẽ được Bộ nghiên cứu sắp xếp.

Theo dự thảo, Bộ GTVT vẫn duy trì các tổ chức gồm Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra, Văn phòng.

Đối với các Cục, Tổng cục, Bộ GTVT kiến nghị tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam. Tổng cục này khi được tổ chức lại sẽ giảm 5 cục trực thuộc. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục sẽ chuyển nguyên trạng về Cục Đường bộ.
 
Đại diện Bộ GTVT cho biết, việc thành lập Cục Đường bộ cao tốc không chỉ với vai trò quản lý nhà nước về đường bộ mà còn quản lý về đầu tư, xây dựng khai thác, vận hành đường cao tốc. Khi giải thể Tổng cục Đường bộ đã giảm được khâu trung gian và giảm được 4 cục (ở Tổng cục hiện nay). Do vậy, khi chia thành 2 cục thì sẽ giảm được 2 đầu mối của cục. 

Về tổng thế vẫn bám theo chủ trương giảm đầu mối, giảm khâu trung gian nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu để phát triển, quản lý trong giai đoạn này. 

Cũng theo dự thảo, 6 cục tiếp tục duy trì gồm: Cục Hàng hải, Hàng không, Đường sắt, Đường thủy nội địa, Đăng kiểm, Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông. Cục Y tế giao thông - vận tải sẽ sắp xếp sau khi bàn giao 16 cơ sở y tế về địa phương quản lý.

Được biết, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ về các đề xuất của Bộ GTVT.