Một trong những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19/2017, Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) là việc thực hiện sắp xếp bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL đã được thực hiện nghiêm túc.
Giảm đầu mối, giảm biên chế vượt chỉ tiêu
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Nội vụ (cơ quan cụ thể hóa nghị quyết của Đảng) tính đến 31/12/2021, số lượng ĐVSNCL trong các bộ, ngành, địa phương là 47.744 đơn vị, giảm 7.469 đơn vị, tương ứng giảm 13,85% so với năm 2015. Tương ứng đó là số viên chức cũng giảm 11,2%.
Cũng trong thời gian này, số ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên của bộ, ngành, địa phương là 3.135 đơn vị, tương ứng tỷ lệ 6,6% tổng số ĐVSNCL của Bộ, ngành, địa phương. Qua đó giúp giảm chi thường xuyên, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là ĐVSNCL thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Việc giảm đầu mối ĐVSNCL và giảm biên chế viên chức đều vượt chỉ tiêu 10% đề ra tại Nghị quyết số 19.
Kết quả này đã được ghi nhận trong báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Con số này cũng được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đặc biệt nhấn mạnh khi nói về kết quả tiết kiệm qua việc giảm bộ máy cũng như giảm công chức, viên chức và các ĐVSNCL.
Đây là một trong những mục tiêu tổng quát được đặt ra tại Nghị quyết 19: “Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức”.
Còn kẽ hở dễ bị lợi dụng tham nhũng
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện tự chủ đối với ĐVSNCL còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra; chậm chuyển đổi phương thức cấp phát, phân bổ, bố trí ngân sách theo yêu cầu của Nghị quyết số 19.
Tức là chậm chuyển đổi từ hỗ trợ cho các ĐVSNCL sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng và thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ để giao tự chủ về tài chính trong việc sử dụng nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của ĐVSNCL.
Cạnh đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính của các ĐVSNCL để giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước còn chậm và chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết số 19.
Câu chuyện Bệnh viện Bạch Mai và một số nơi xin dừng thí điểm cơ chế tự chủ sau 2 năm thực hiện do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc phần nào cho thấy rõ những hạn chế này.
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh ví von: "Tự chủ cũng giống như một dòng sông được khơi thông, con thuyền là các bệnh viện công đi trên đó sẽ được an toàn và rất tiện lợi, còn nếu chúng ta xác định không cẩn thận, rất dễ bị đánh đắm con thuyền đó".
Đại biểu nêu thực tế cơ chế cho các bệnh viện tự chủ vừa rồi như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, gần như hiện tượng con thuyền đã bị đắm vì cơ chế không đầy đủ, không đến nơi đến chốn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật đối với ĐVSNCL chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, khả thi, còn mâu thuẫn, chồng chéo, không tương thích gây khó khăn trong việc áp dụng và thực thi trong thực tiễn.
Còn độ trễ lớn trong tổ chức thực hiện thể chế; chưa có chính sách mang tính chất đòn bẩy để thúc đẩy xã hội hóa, nhân rộng điển hình, mô hình cách làm hay; chưa kịp thời phát hiện bất cập, sơ hở thể chế để sửa đổi, bổ sung.
Đặc biệt là những kẽ hở dễ bị lợi dụng tham nhũng, trục lợi như sai phạm trong lĩnh vực y tế, giáo dục được phát hiện gần đây như vụ án trong đấu thầu y tế gây hậu quả nghiêm trọng ở Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai hay hàng loạt vụ vi phạm trong đấu thầu thiết bị giáo dục xảy ra ở nhiều địa phương.
Còn tư duy bao cấp, trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực Nhà nước
Trong các nguyên nhân của những hạn chế này có tình trạng buông lỏng vai trò lãnh đạo, thiếu kiểm tra đôn đốc thực hiện, vai trò của người đứng đầu chưa được thể hiện. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đáng chú ý là tư duy bao cấp, trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực Nhà nước trong thụ hưởng ngân sách của các ĐVSNCL cung ứng dịch vụ sự nghiệp công còn nhiều, còn thụ động, chậm đổi mới…
Từ thực tế này, đoàn giám sát của Quốc hội yêu cầu Chính phủ có các giải pháp thu hẹp các ĐVSNCL, rà soát chỉ giữ lại các đơn vị thuộc Bộ phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định.
Bộ Nội vụ phối hợp các địa phương khẩn trương xây dựng phương án chuyển giao các ĐVSNCL (các trường dạy nghề, cao đẳng, trung cấp, bệnh viện, trung tâm điều dưỡng) theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 19 và các quy định pháp luật chuyên ngành.
Cùng với đó đẩy nhanh việc thực hiện chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần theo danh mục đã được Thủ tướng phê duyệt, chủ động rà soát các khó khăn, vướng mắc về tài sản, đất đai, tài chính để có phương án xử lý phù hợp. Đồng thời thay đổi bộ máy, cơ cấu quản lý hành chính, nhân sự, tài chính phù hợp với mô hình quản lý của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh…
Khi thảo luận về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, ĐB ngành y Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) nhấn mạnh chữ "không rõ ràng" để nói về cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công” đã khiến cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn.
“Đây là một tình trạng rất phổ biến gây ra lãng phí, từ lập đề án thực hiện để đánh giá, mà không rõ ràng thì làm sao làm được, rồi sẽ mất công phải điều tra, giải trình và rất dễ bị vướng vào vòng lao lý”, ông Trí nói.
Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ có những đánh giá tổng kết sâu rộng hơn để điều chỉnh lại chính sách, sửa đổi luật, tạo điều kiện các ngành, các bộ triển khai cơ chế tự chủ tài chính chắc, đúng, hiệu quả và thành công.
Một số ĐBQH khác thì đề nghị sớm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực để từ đó có cơ sở rà soát, sắp xếp các ĐVSNCL theo quy định.
Tuy nhiên, để giải quyết căng cơ bài toán này, có ý kiến đề xuất xây dựng Luật về đơn vị sự nghiệp công.
Nhằm chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, ngày 2/11, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổ chức Hội thảo Đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công lập trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. |