XEM CLIP ĐB NGUYỄN MINH SƠN PHÁT BIỂU:

Chiều 2/6, thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) ghi nhận nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trong tinh giản biên chế.

Không phải tiết kiệm về số lượng mà là sử dụng đúng người, đúng việc

ĐB Sơn cũng cho hay, theo báo cáo kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2021 rất đáng ghi nhận, biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Số người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% đề ra tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Đây là nỗ lực rất lớn của các cơ quan.

ĐB Nguyễn Minh Sơn. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, ông cho rằng cần có một sự phân tích kỹ lưỡng hơn về chất lượng tinh giản biên chế có tương ứng với số lượng tinh giản biên chế không.

ĐB dẫn câu chuyện ở một số cơ quan địa phương phản ánh tình trạng cào bằng, dẫn đến một số đơn vị khối lượng công việc lớn cần ít nhất là giữ nguyên chỉ tiêu biên chế hiện có, chưa nói đến là cần tăng để đáp ứng yêu cầu công tác thì lại vẫn phải cắt giảm theo tỷ lệ chung.

“Như vậy, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý sử dụng công chức, người lao động cần phải hiểu đúng là không phải tiết kiệm về số lượng mà là sử dụng đúng người, đúng việc theo yêu cầu và vị trí việc làm.

Cần trao thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan thực hiện công tác tinh giản biên chế và chịu trách nhiệm về nội dung này”, ông Sơn nói.

Bộ máy nhà nước yếu kém sẽ tạo nguy cơ cao gây thất thoát, lãng phí

XEM CLIP ĐB ĐỒNG NGỌC BA PHÁT BIỂU:

Cùng mối quan tâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng, vấn đề sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

“Tôi cho rằng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh là điều kiện không thể thiếu để phát triển đất nước cũng như trong thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ máy nhà nước yếu kém sẽ tạo nguy cơ cao gây thất thoát, lãng phí, không chỉ là những giá trị có thể tính toán được, mà nghiêm trọng hơn, theo tôi có thể làm “lãng phí” cơ hội phát triển đất nước”, ông nhấn mạnh.

Theo ĐB Đồng Ngọc Ba, một đất nước, dù có nhiều tiềm năng và các cơ hội phát triển, nhưng bộ máy yếu, không tận dụng được cơ hội thì có thể ví như một người có nhiều vốn, khởi nghiệp làm giàu nhưng thiếu năng lực nên “chưa giàu” đã già.

ĐB tỉnh Bình Định bày tỏ rất lo ngại về hạn chế mà các báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra là tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đánh giá tại Hội nghị tổng kết ngành Nội vụ vừa qua là “việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ chưa đạt yêu cầu, bộ máy vẫn còn cồng kềnh”; “một bộ phận công chức, viên chức chưa đủ tầm”.

ĐB cho rằng, Chính phủ cần có báo cáo cụ thể hơn, có các thông tin, số liệu, địa chỉ cụ thể của những hạn chế này để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Ông nêu lại ý kiến của nhiều cử tri và nhà chuyên môn cho rằng kết quả đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thời gian qua phần nhiều mới chỉ thay đổi về lượng, chuyển biến về chất còn chưa đáp ứng yêu cầu.

ĐB Đồng Ngọc Ba. Ảnh: Quốc hội

Bên cạnh một vài bộ, ngành, địa phương đạt kết quả tích cực như các báo cáo đã nêu…, về tổng thể, tổ chức bộ máy nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế. Nổi lên là vẫn có chồng chéo, trùng giẫm về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; còn nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm; chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của chính quyền địa phương nhiều nơi chưa đồng bộ; việc tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Do đó, ĐB Đồng Ngọc Ba cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, làm cơ sở cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị.

Về tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, ĐB Đồng Ngọc Ba cho rằng, nếu việc tinh giản biên chế một cách “cơ học” không gắn với hệ thống vị trí việc làm phù hợp thì không những không làm mạnh thêm mà còn làm suy giảm năng lực của bộ máy; dễ thấy nhất là dẫn đến có đơn vị quá tải, làm không hết việc, có nơi cán bộ, công chức lại dư thừa thời gian.

Ông đề nghị Chính phủ xem xét kỹ vấn đề này, khẩn trương ban hành các quy định về hướng dẫn vị trí việc làm của công chức, viên chức bảo đảm hợp lý, khoa học.

Đồng thời, Chính phủ cần bổ sung thêm giải pháp cụ thể về tăng cường năng lực và đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức, đặc biệt chú trọng tăng cường năng lực thực thi pháp luật.

“Nhiều vụ việc tiêu cực, vi phạm thời gian qua có nguyên nhân là do yếu kém của cán bộ, công chức trong hiểu và thực thi pháp luật, không nên và không thể đổ lỗi cho pháp luật chưa hoàn thiện”, ông nêu thực tế.

Về lâu dài, ông Đồng Ngọc Ba cho rằng bộ máy nhà nước cần được đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn nữa chứ không chỉ là những sửa đổi mang tính “tình thế”.

“Nhà nước pháp quyền kiến tạo phát triển, liêm chính là công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát quyền lực; loại bỏ từ gốc tiêu cực, tham nhũng; loại bỏ những phần tử cơ hội, thực dụng, chạy chức, chạy quyền; những người không đủ năng lực hoặc không dám dấn thân sẽ không dám nhận các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước này.

Đây cũng chính là điều kiện không thể thiếu để sử dụng hiệu quả, chống lãng phí nguồn lực đất nước, huy động được trí tuệ xã hội vào quản trị quốc gia phục vụ phát triển đất nước đi đến phồn vinh, thịnh vượng, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”, ông Ba nhấn mạnh.

Thu Hằng - Hương Quỳnh

Cán bộ ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu nhiễm bệnh “sợ trách nhiệm”

Cán bộ ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu nhiễm bệnh “sợ trách nhiệm”

ĐB Mai Thị Phương Hoa cho rằng, cán bộ ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu bị nhiễm căn bệnh “sợ trách nhiệm”.
Viện trưởng Viện KSNDTC đề xuất tạo hành lang pháp lý để cán bộ yên tâm làm việc

Viện trưởng Viện KSNDTC đề xuất tạo hành lang pháp lý để cán bộ yên tâm làm việc

Theo ông Lê Minh Trí cần kịp thời bổ sung quy định để vừa bịt lỗ hổng trong quản lý vừa tạo điều kiện cho sự phát triển. Ông cũng cho rằng, cần tạo hành lang pháp lý để người thực hiện nhiệm vụ yên tâm làm việc.
Lương thấp đang bào mòn sự liêm sỉ, nhân phẩm của cán bộ, công chức

Lương thấp đang bào mòn sự liêm sỉ, nhân phẩm của cán bộ, công chức

Thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp, đã và đang bào mòn sự liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức.