Lo cưới cho con dâu như con gái
Chiều ngày 13/4, mạng xã hội lan truyền hình ảnh nhà chồng làm đám cưới cho con dâu. Theo đoạn clip được chia sẻ, câu chuyện nhân văn này diễn ra tại xã Yên Dưỡng, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Chủ nhân đoạn clip cho biết, chồng của cô dâu không may qua đời cách đây 5 năm. Đến nay, cô dâu mới quyết định đi thêm bước nữa. Để ngày vui của con dâu chu toàn, bố mẹ chồng đứng ra lo liệu đám cưới cho cô như con gái ruột.
Ngày 14/4, ông Trần Năng Toán (66 tuổi, ngụ xã Yên Dưỡng, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), bố chồng của cô dâu trong câu chuyện trên xác nhận chuyện làm đám cưới.
Ông Toán cho biết, gia đình ông vừa tổ chức lễ vu quy cho con dâu Hoàng Bảo An vào ngày 21/2 âm lịch, tức ngày 11/4 dương lịch. Gia đình ông khá bất ngờ khi chuyện nhà được nhiều người biết và khen ngợi.
Theo ông Toán, cuối năm 2016, Bảo An kết hôn với con trai ông. Cả hai sống với nhau được khoảng 2-3 năm thì chồng chị An gặp tai nạn lao động, qua đời đột ngột.
Ngày chồng mất, chị An đang chăm con nhỏ tròn 5 tháng tuổi. Sau biến cố, chị vẫn sống và gắn kết mật thiết với gia đình chồng.
“Vừa rồi, An xin phép vợ chồng tôi cho cháu đi bước nữa. Nghe vậy, vợ chồng tôi rất ủng hộ. An còn ít tuổi, chuyện tìm hạnh phúc mới là lẽ đương nhiên. Gia đình tôi không ích kỷ rồi giữ cháu lại”, ông Toán chia sẻ.
Được sự cổ vũ của nhà chồng, chị An đưa người yêu về ra mắt và xin phép tính chuyện cưới xin. Sau đó, bố mẹ chị An tin tưởng, mong gia đình ông Toán lo liệu việc tổ chức cho con.
Ông Toán nói: “Bố mẹ của An nói họ chỉ gả chồng cho con gái một lần thôi. Bây giờ, An là con của chúng tôi thì chuyện cháu đi bước nữa do gia đình chồng quyết định, tổ chức”.
Được thông gia tin tưởng, cả nhà ông Toán cùng nhau chuẩn bị lễ cưới cho con dâu. Mọi khâu đều được hoàn chỉnh, đầy đủ, đúng phong tục con gái đi lấy chồng. Vợ chồng ông Toán còn lo cả quà cưới.
Ban đầu, chị An ngỏ lời nhờ bố mẹ chồng đứng ra lo liệu nhưng phần chi phí để chị tự trang trải. Thế nhưng, ông Toán không nhận, dứt khoát đứng ra lo liệu từ đầu đến cuối.
Ông Toán còn động viên con dâu không phải băn khoăn, suy nghĩ về kinh tế. Ông có nhiều thì lo nhiều, có ít thì làm mâm cỗ đơn giản.
Ông Toán cũng rất cân nhắc trong việc mời khách đến dự tiệc cưới của con dâu. Ông chuẩn bị 35 mâm cỗ và chỉ mời họ hàng thân hữu, hàng xóm đến dự tiệc mừng.
Mâm cỗ đơn giản nhưng không thiếu thứ gì. Quan trọng nhất, ông muốn mọi người chứng kiến ngày vui gả con dâu của gia đình.
Đặc biệt, gia đình ông Toán không nhận phong bì, quà cưới từ khách mời. Từ lúc đi mời khách, ông đã căn dặn: “Bà con đến uống rượu mừng cho cháu, còn quà mừng thì nhà tôi không nhận. Chúng tôi chỉ muốn nhận được tấm lòng và sự hiện diện đầy đủ của quý quan khách”.
Đến ngày diễn ra lễ vu quy, khách mời đến dự đủ không thiếu một người. Lối vào tiệc cưới không có thùng nhận phong bì như bao đám cưới khác. Nhiều khách mời cố đưa phong bì nhưng đều bị gia đình ông Toán từ chối.
Trước sự việc hiếm có, toàn bộ khách mời dù dùng xong tiệc vẫn nán lại, chứng kiến lễ đưa dâu. Khi cô dâu được chú rể rước đi, họ mới lục đục ra về, không ngớt lời khen ngợi.
Xúc động ngày con dâu lấy chồng
Mấy ngày qua, bà Đặng Thị Hòa (64 tuổi, mẹ chồng cũ của chị Bảo An) rất phấn khởi khi gia đình hoàn thành một việc tốt cho con dâu.
Hôm tiễn con dâu về nhà chồng mới, bà Hòa khóc nhiều. Không chỉ bà Hòa mà các thành viên khác cũng xúc động đến rơi nước mắt. Lúc đó, cảm xúc của bà rất lẫn lộn, vừa vui vừa buồn.
Trước khi bước lên sân khấu trao quà cho cô dâu chú rể, bà được con dâu út động viên, an ủi. Bà cũng tự nhủ sẽ không khóc. Thế nhưng, trong khoảnh khắc xúc động, bà khóc như mưa.
“Tôi thương con dâu số phận truân chuyên, phải đi thêm bước nữa. Ước chi con dâu chỉ trải qua một đời chồng suôn sẻ”, bà Hòa chia sẻ.
Bà Hòa là người mà chị An xin ý kiến đầu tiên khi quyết định kết hôn lần nữa. Đáp lại sự tin tưởng của con dâu, bà bảo: “Con còn trẻ, phải có cuộc sống riêng của mình. Mẹ luôn ủng hộ lựa chọn của con”.
Từ ngày con trai mất, mẹ chồng nàng dâu thường cố động viên nhau. Bà Hòa rất thương cháu nội (bé Bon, con trai của chị An). Bà phụ chăm cháu, giúp con dâu thoải mái làm việc ở tiệm thuốc.
Hai ngày qua, Bon vẫn ở nhà nội. Đến tối 13/4, bé được con trai cả của bà Hòa đưa về nhà chị An lấy quần áo.
Chồng mới của chị An cũng là người trong làng. Thế nên, Bon và chị An vẫn thường xuyên lui tới nhà bố mẹ chồng cũ.
“Hôm qua, vợ chồng An có qua nhà tôi ăn cơm. Trưa nay, cả hai lại qua ăn cơm tiếp, con dâu lớn của tôi đang đi chợ, lo cơm nước. Bảo An lấy chồng gần nên Bon không xa ông bà nội. Bây giờ, tôi có thêm con trai cũng được mà gọi là con rể cũng chẳng sao. An về đây thì như con gái về nhà mẹ đẻ”, bà Hòa xúc động.
Bà Hòa cũng tiết lộ, gia đình bà gồm nhiều thế hệ sống chung với nhau. Tuy nhiên chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn, mẹ chồng con dâu không nói nặng nhau một câu.
Ông Toán chia sẻ thêm: “Bố mẹ chồng gả con dâu là chuyện hiếm xảy ra. Thế nhưng, chuyện xuất phát từ đáy lòng của gia đình tôi. Thấy việc có ý nghĩa, chúng tôi làm thôi”.
Hơn nữa, ông Toán nghĩ 5 năm sau ngày chồng mất, chị An vẫn chạy đi chạy lại cho lắng chu đáo cho bố mẹ chồng. Khi trái nắng trở trời, bố mẹ chồng ốm đau, chị An vẫn lo từng viên thuốc, muỗng cháo. Đối với nhà chồng, chị không chỉ tròn trách nhiệm con dâu mà như con gái ruột trong gia đình.
Ảnh: Nhân vật cung cấp