Biến cố năm 21 tuổi
Chị Tô Thị Sự làm công nhân vệ sinh môi trường ở TP.HCM, luôn tự nhắc nhở bản thân phải biết ơn và sớm báo hiếu mẹ. Hơn 10 năm trước, khi chị Sự 21 tuổi, mẹ đã vắt kiệt sức để cứu con gái thoát khỏi tử thần. Cũng kể từ đó, chị tự nhủ mẹ vừa sinh ra mình lần thứ hai.
Hồi tưởng lại cuộc sống năm 21 tuổi, đôi lần chị Sự không kìm được nước mắt. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị rời quê Hà Tĩnh vào miền Nam làm thuê. Chị làm công nhân và thuê nhà trọ ở tỉnh Đồng Nai.
Đêm đó, chị trở về nhà sau khi tan làm ca 3. Trong lúc nấu ăn, bình ga bỗng dưng phát nổ, phút chốc phòng trọ bén lửa. Cô gái trẻ hoảng loạn tung cửa chạy ra ngoài. Ban đầu, chị Sự còn tỉnh táo nhưng sau đó dần hôn mê.
Lúc tỉnh lại ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, nữ công nhân còn nghĩ chắc mình chỉ nằm viện vài ngày. Nhưng không, chị Sự bị bỏng với thương tật gần 50%, phải nằm viện hơn 2 tháng.
Bên cạnh nỗi đau về thể xác, tinh thần của chị Sự cũng sụp đổ hoàn toàn. Chị dần khép mình, tự ti, trầm cảm, không muốn gặp người khác. Lúc đó, người túc trực bên cạnh chị chính là mẹ.
Trong chương trình Gõ cửa thăm nhà, chị Sự kể: “Lúc đó, viện phí phải chi trả khoảng 170 triệu đồng, trong đó bảo hiểm chi 20%. Nhà tôi ở quê nghèo khổ, làm gì mà có số tiền lớn như thế. Mẹ thấy trong nhà có cái nào bán được đều đem bán sạch”.
Xuất viện với một cơ thể chằng chịt sẹo bỏng, tay, chân, cổ bị co rút, chị được mẹ đưa về quê chăm sóc. Mặc cảm, chị không dám ra ngoài, cũng chẳng có việc để làm. Tháng năm đó, chị phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, nhất là mẹ ruột.
“Mẹ tôi cũng lớn tuổi, mỗi ngày đều ra chợ bán trầu cau. Mọi sinh hoạt cá nhân của tôi đều nhờ mẹ hỗ trợ. Tôi nhận ra mẹ đang phải nuôi mình lần thứ hai, sinh tôi ra thêm một lần nữa”, chị Sự khóc.
Lòng hiếu thảo buộc chị Sự phải mạnh mẽ, tìm cách mưu sinh. Một năm rưỡi sau, chị Sự vào lại TP.HCM để đăng ký các chương trình phẫu thuật từ thiện. Khi tay bắt đầu cử động trở lại, chị về Bình Dương bán vé số, xin làm công nhân cắt chỉ…
Chị chi tiêu rất tiết kiệm, tiền tích góp đều để dành lo thuốc men và chi phí cho ca phẫu thuật tiếp theo.
Nữ lao công hát ở phòng trà
Trong lần phẫu thuật cuối cùng, người con gái quê Hà Tĩnh tình cờ gặp gỡ anh Võ Bình Hòa (51 tuổi, TP.HCM). Anh Hòa cũng đến bệnh viện đăng ký phẫu thuật miễn phí. Vết thương của anh còn nặng nề hơn chị Sự.
Anh bị bỏng xăng, thương tật đến 93%. Trong 3 tháng nằm viện, bác sĩ luôn thông báo với người nhà rằng tình trạng của anh khó qua khỏi. Vậy mà, anh tỉnh lại, tập đi trong sự ngỡ ngàng của các bác sĩ điều trị.
Lần đầu gặp chị Sự, anh Hòa mạnh dạn đến làm quen, xin số điện thoại. “Mục đích ban đầu của tôi là nhờ Sự thông báo lịch phẫu thuật miễn phí. Về sau, cả hai trò chuyện nhiều, hiểu nhau và dần có tình cảm”, anh Hòa chia sẻ.
Dù sức khỏe yếu nhưng anh Hòa vẫn thường chạy về Bình Dương thăm chị Sự. Tới lui hơn một năm, cả hai quyết định kết hôn, dọn về sống chung.
Qua nhiều năm, anh Hòa và chị Sự vẫn chỉ có tờ giấy đăng ký kết hôn, chứ chưa làm đám cưới, ra mắt hai họ. Hai người luôn mơ về một ngày kinh tế khá giả hơn. Khi đó, cả hai sẽ tổ chức một buổi tiệc báo hỷ nhỏ ở nhà hàng, bù đắp những thiệt thòi đã qua.
Hiện tại, vợ chồng chị Sự mưu sinh bằng nghề gom rác ở các chung cư. Công việc đòi hỏi hai người phải thức dậy từ 3-4h sáng và làm đến 10h.
Ngoài làm công nhân vệ sinh, chị Sự đi hát ở các phòng trà đến 1-2h sáng mới về đến nhà. Vừa ngả lưng vài tiếng, chị lại phải thức dậy thay đồ lao công đi làm cùng chồng đến trưa.
Anh Hòa nói: “Nhiều đêm thiếu ngủ, Sự phải dựa vào vai tôi hoặc ra thùng xe rác ngủ tạm. Chợp mắt một lúc, Sự lại cùng tôi làm việc. Lúc đầu, tôi thấy vợ như vậy thì xót, không muốn cô ấy đi hát nữa. Thế nhưng, Sự nói đó là đam mê, mà cô ấy cũng có năng khiếu nên tôi không cản nữa”.
Cơ duyên nữ lao công bước vào nghề hát cũng thật bình dị. Lần đó, nhạc sĩ Hồng Xương Long ra bài hát mới. Chị Sự thấy bài này hay nên hát thử rồi gửi tin nhắn cho anh Long và bày tỏ sự ngưỡng mộ.
Không ngờ, nam nhạc sĩ thấy chị Sự hát hay nên cho phép thu âm, làm MV bài hát đó. “Khi đăng tải bài hát lên YouTube, lượt xem tăng quá trời, tôi mừng lắm. Từ đó, tôi có động lực ra thêm một số sản phẩm và đi hát phòng trà, tham gia cuộc thi Giọng ca vàng Bolero”, chị Sự cho biết.
Nữ lao công hi vọng đam mê ca hát và công việc gom rác sẽ mang đến thu nhập ổn định cho gia đình. Chị ước có tiền mua được một ngôi nhà và thực hiện ước mơ về thăm mẹ già sau nhiều năm xa cách.