Còn giữ 5 thói quen này, bạn sẽ khó có thể đạt được ngân sách đã đề ra và bằng cách đơn giản là loại bỏ chúng, bất chấp thu nhập cao hay thấp, bạn sẽ tiết kiệm hiệu quả hơn.
1. Mua hàng bốc đồng
Nếu bạn có xu hướng mua các mặt hàng theo ý thích, đây có thể là lý do khiến ngân sách của bạn mãi không đạt được. Đừng nghĩ rằng đó phải là những khoản thật giá trị, ngay cả khi bạn chỉ nhặt thêm vài gói kẹo, lon nước mỗi khi đứng xếp hàng ở quầy thanh toán, chi phí sẽ tăng lên mà bạn không hề nhận ra. Vấn đề sẽ lớn hơn khi bạn là người không thể bước vào một cửa hàng mà không mua những thứ trông hấp dẫn dù không thực sự cần thiết.
2. Xóa mờ ranh giới giữa nhu cầu và mong muốn
Dù là theo phương pháp nào, tất cả ngân sách đều dựa trên việc phân bổ chi tiêu của bạn giữa nhu cầu (thanh toán các hóa đơn, trả nợ) và mong muốn (giải trí, ăn hàng). Về lý thuyết, sự phân chia giữa hai loại này là rõ ràng tuy nhiên nhiều người lại xóa mờ ranh giới đó.
Ví dụ: Bạn có thể biện minh cho việc chiêu đãi bản thân bữa tối thịnh soạn tại nhà hàng vì đã có một ngày làm việc vất vả dù bữa ăn sẽ khiến bạn bội chi. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể thưởng cho mình để có thêm động lực song nhớ rằng bạn điều chỉnh tăng ở khoản này thì hãy giảm đi ở khoản khác để đảm bảo bám sát con số tổng. Nếu bạn chi tiêu nhiều hơn cho một danh mục, hãy chi tiêu ít hơn cho một danh mục khác, đừng xóa mờ ranh giới giữa nhu cầu và mong muốn để rồi bội chi, khiến tiết kiệm trở thành việc ngoài tầm với.
3. Không theo dõi chi tiêu của mình
Trừ khi bạn có thể nhớ từng giao dịch mua hàng mà bạn thực hiện trong suốt chu kỳ ngân sách, lời khuyên các chuyên gia tài chính dành cho tất cả mọi người bất chấp thu nhập cao hay thấp là hãy xem xét chi tiêu của mình thường xuyên. Nếu bạn cảm thấy khá khó khăn để thực hiện công việc này thành thói quen, hãy đặt lịch cho bản thân như định kỳ sau 3 ngày sẽ dành 2 phút để xem biến động tài khoản của mình hoặc tổng kết sổ chi tiêu. Bạn có thể đặt lời nhắc trên điện thoại để biến việc theo dõi chi tiêu trở thành sự kiện lặp lại.
Bằng cách theo dõi chi tiêu, bạn sẽ có được cái nhìn toàn cảnh về tình hình tài chính của mình. Bất cứ khi nào bạn thấy một khoản chi phí mà bạn không nhớ hoặc không lên kế hoạch, hãy đảm bảo bạn thêm nó vào tổng chi phí của mình trong tuần, tháng hoặc bất kỳ mốc thời gian nào bạn đã đặt. Xem xét chi tiêu thường xuyên sẽ giúp bạn nhanh chóng phát hiện liệu mình có đang đi chệch hướng và điều chỉnh sớm nhất có thể.
4. Không so sánh giá
Nếu bạn luôn chọn giao dịch đầu tiên khi mua sắm, có lẽ bạn đang chi tiêu nhiều hơn mức cần thiết. Lần tới, hãy dành một chút thời gian để so sánh sản phẩm, rất có thể bạn sẽ tìm ưu đãi tốt hơn. Đó có thể là mã khuyến mãi, chương trình dịch vụ hậu mãi tặng kèm hay quà tặng đi kèm nhân ngày sinh nhật của cửa hàng…
Điều này đặc biệt phát huy lợi ích khi bạn mua hàng trực tuyến. Với sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ trực tuyến, sẽ là khôn ngoan khi bạn dành thời gian để tìm kiếm cho mình mức giá tốt hơn. Và biết đâu, sau một thời gian tìm kiếm, bạn lại tìm được sản phẩm khác phù hợp hơn hoặc thậm chí nhận ra mình không cần sản phẩm đó đến thế.
5. Không tự động hóa khoản tiết kiệm của mình
Gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm có thể là phần quan trọng nhất trong ngân sách của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn thực hiện nó theo cách thủ công, bạn có thể quên hoặc lờ đi việc đó vì đã lỡ chi tiêu quá mức cho các khoản khác.
Giải pháp ở đây rất đơn giản, đó là hãy thiết lập chuyển khoản định kỳ việc tiết kiệm. Bằng cách này, bạn sẽ trả tiền cho mình trước thay vì chi tiêu hết và tiết kiệm những đồng còn sót lại vào mỗi cuối tháng. Cùng với đó, bạn sẽ không còn phải lo lắng việc nhớ nhớ quên quên gửi tiền tiết kiệm.
Hãy chọn một ngày nhất định mỗi tháng (tốt nhất là ngay sau khi bạn nhận lương) và số tiền xác định trước, sau đó công nghệ sẽ làm nốt phần còn lại. Bằng một thay đổi nhỏ, bạn sẽ thấy bất ngờ khi sau một thời gian kiểm tra tiến độ tiết kiệm của mình.
Theo Phụ nữ Việt Nam