Môi trường mạng tiềm ẩn nhiều cạm bẫy với trẻ em

Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số nhóm công khai, nhóm kín có phần lớn thành viên là trẻ em nhưng chia sẻ nhiều nội dung độc hại đối với trẻ em.

Điển hình như: Nhóm Team 2k9 có 821.000 thành viên, chủ yếu là trẻ em, học sinh lứa tuổi 12, 13, với đa số thông tin trao đổi là những thông tin tiêu cực, lệch lạc, thông tin 18+; Nhóm Team 2k10 có 217.000 thành viên; Nhóm Hội những người ghét cha mẹ với hơn 4.900 thành viên; Nhóm Trại tâm thần dành cho Wibu có 190.000 thành viên; Nhóm Team 2k10 - 2k tìm người yêu có 19.000 thành viên; nhóm Team FA 2k-2k9 - Tìm người yêu có 204.000 thành viên...

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, Cục An toàn thông tin cho biết, dịch Covid-19 khiến cho trẻ em tiếp xúc với Internet sớm và nhiều hơn, trong khi đó có một số bậc phụ huynh chưa quản lý chặt hoạt động của các em trên môi trường mạng. Mặt khác, đối tượng trẻ em hiện chiếm tới 1/3 số người dùng Internet, tuy nhiên nhiều em chưa có kỹ năng số, hiếu kỳ khi dùng mạng Internet.

{keywords}
Theo chuyên gia, chính tính tò mò, ham khám phá của trẻ sẽ đẩy các em vào tay những kẻ xấu trên môi trường mạng (Ảnh minh họa).

Mới đây, chia sẻ với ICTnews về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, ông Nguyễn Minh Đức, nhà sáng lập và cũng là Tổng giám đốc Công ty cổ phần An toàn thông tin CyRadar cho rằng học tập và giải trí online mặc dù mang lại những lợi ích nhất định về chi phí, bảo đảm sự an toàn trước dịch bệnh, tuy nhiên môi trường mạng cũng tiềm ẩn đầy rẫy cạm bẫy và chính tính tò mò, ham khám phá của trẻ sẽ đẩy các em vào tay kẻ xấu.

Vì thế, theo vị chuyên gia này, nếu tiếp tục triển khai kế hoạch tổ chức cho học sinh học trực tuyến toàn thời gian hoặc bán thời gian, các nhà trường và phụ huynh nên chủ động hướng dẫn, trò chuyện, dạy trẻ em cách để có thể tự bảo vệ mình trong thế giới ảo.

Song song với việc khuyên răn trực tiếp, phụ huynh hãy tận dụng lợi thế công nghệ và trang bị kiến thức an toàn, an ninh mạng để biết được con em mình đang học gì, chơi gì khi không có cha mẹ ở bên.

Ngoài ra, các công nghệ, phương thức để lọc nội dung không phù hợp với lứa tuổi, chặn các trang web xấu, nội dung độc hại, các hội nhóm tự phát có thể gây ra những sai lệch trong suy nghĩ, hành động của trẻ cũng cần được áp dụng triệt để.

“Hiện nay, đã có rất nhiều ứng dụng, phần mềm được trang bị các tính năng này. Phụ huynh nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn 1 giải pháp để có thể yên tâm làm việc, trong khi trẻ khám phá thế giới trực tuyến được an toàn”, ông Nguyễn Minh Đức cho hay.

Mở rộng Mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tới cơ sở

Trên thực tế, để góp phần bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó có việc giải quyết tình trạng xuất hiện các nhóm trên mạng xã hội có phần lớn thành viên là trẻ em nhưng chia sẻ nhiều nội dung độc hại với trẻ em, Bộ TT&TT đã tham mưu để Chính phủ ngày 1/6/2021 ban hành Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” (Chương trình 830).

Chương trình 830 hướng tới “mục tiêu kép”, đó là: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; Duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.

Một trong những giải pháp đột phá của Chương trình 830 là xây dựng và lồng ghép vào chương trình giáo dục việc đào tạo “bộ kỹ năng số” cho trẻ em theo độ tuổi gồm một số nội dung, kỹ năng như: Kiến thức về mạng Internet, mạng xã hội; kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin tối thiểu; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; cách thức nhận biết khi bị lợi dụng, xâm hại trên môi trường mạng và nơi cần thông tin, phản ánh…

Cũng trong thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với thành phần gồm Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... nhằm phối hợp hành động cấp Trung ương trong triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đặc biệt, Bộ TT&TT đã yêu cầu Facebook xử lý nội dung vi phạm trên các hội, nhóm chia sẻ nội dung độc hại cho trẻ em trên mạng.

Để xử lý triệt để, Bộ TT&TT sẽ đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý hình sự các đối tượng tổ chức, điều hành các nhóm trên mạng xã hội vi phạm. Cùng với đó, mở rộng Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tới cơ sở, cộng tác với giáo viên, học sinh tại các trường học để thu thập, phát hiện, xử lý kịp thời; dự kiến trong quý IV/2021, sẽ ban hành bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Vân Anh

Sẽ tổ chức đánh giá các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ về bảo vệ trẻ em trên mạng

Sẽ tổ chức đánh giá các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ về bảo vệ trẻ em trên mạng

Một trong những hoạt động của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là tham gia đánh giá các sản phẩm, dịch vụ, nền tảng, công nghệ về bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.