Sáng 7/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.
Trước đó, chiều 6/6, Bộ trưởng đã đăng đàn trả lời chất vấn nhóm vấn đề liên quan đến dân tộc. Đây là lần đầu tiên ông Hầu A Lềnh trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng sẽ trả lời về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, gồm Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn cùng giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, NN&PTNT, GTVT, Xây dựng, LĐTB&XH, VHTT&DL, TT&TT, TN&MT; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam... sẽ cùng trả lời với Bộ trưởng Hầu A Lềnh.
8h40: Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm
Về chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và vùng núi có mở rộng đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng nói: “Trước hết với trách nhiệm được phân công là người chỉ huy tổ chức thực hiện chương trình này, chúng tôi xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội, đặc biệt xin nhận trách nhiệm trước bà con đang sống ở khu vực miền núi vì các chương trình này đã thực hiện không đúng yêu cầu đặt ra. Hay nói giản dị là rất chậm”.
Phó Thủ tướng cho biết, phần vốn 2022 cho chương trình này chỉ đạt hơn 58%; năm 2023 chỉ đạt hơn 17% vốn đầu tư phát triển. Trong khi đó chúng ta chỉ còn 2,5 năm để thực hiện.
Như nhiều đại biểu nói, rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng chương trình biên cương, vùng phên dậu của đất nước đang gặp nhiều khó khăn để giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
“Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình rất nặng nề trong chuyện này”, Phó Thủ tướng thẳng thắn nói.
Theo Phó Thủ tướng, các chương trình này vướng 3 việc. Về cơ chế chính sách, mọi người đang bàn luận về tình trạng chồng chéo, xung đột, theo chúng tôi không quan trọng nhưng vấn đề là cố gắng tháo gỡ cho chạy và chạy thật nhanh trong thời gian tới.
Thứ nhất, văn bản rất nhiều, 3 chương trình cộng lại có 73 văn bản. Đơn cử riêng chương trình này được tích hợp từ 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án và 55 nội dung thành phần và chịu sự quản lý của 23 bộ ngành Trung ương. Cho nên việc còn chồng chéo, xung đột nhau là có thể chia sẻ được.
"Trong đợt giám sát vừa rồi, chúng tôi ghi nhận 339 thắc mắc của địa phương cơ sở vì không biết làm như thế nào cho đúng. Thủ tướng đã có công điện về việc này, hơn 2 tháng thì 18/18 bộ ngành đã có 59 văn bản trả lời, giải quyết 261/339 thắc mắc, chiếm 70%. Còn lại 78 nội dung chúng tôi đang thực hiện sửa đổi nghị định liên quan, ban hành và điều chỉnh một số thông tư.
Khó nhất là sửa Nghị định 27, đến sáng nay đã có 23/27 ý kiến thành viên Chính phủ đồng ý và có thêm một số ý kiến góp ý. Ngay hôm nay, chúng tôi sẽ giao cho Bộ KH-ĐT tổng hợp giải trình, báo cáo Chính phủ để ban hành trước 15/6.
Tôi có hứa với Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội rằng, trong quý 1 xong việc này nhưng cũng mất thêm 2,5 tháng mới có thể báo cáo Quốc hội về thời hạn 15/6”, Phó Thủ tướng nói.
8h05: Cần chính sách cụ thể để thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đồng tình với quan điểm này. Trong đó hệ thống chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải bao gồm chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương.
Bộ trưởng cũng cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên chưa thể có những chính sách đủ mạnh. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn các địa phương bám sát vào chủ trương của Trung ương để có những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng này, để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập và giải quyết vấn đề lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về ý kiến tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai liên quan đến bố trí vốn tăng cường đầu tư, một số hệ thống văn bản chưa phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, Nghị quyết 120 của Quốc hội đặt mục tiêu tập trung các nguồn lực để ưu tiên cho các địa phương và trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thiết kế 10 dự án và tiến hành phân cấp nguồn lực, thẩm quyền điều hành cho địa phương.
Ông Hầu A Lềnh cho biết, tại Trung ương chỉ tập trung vào một số nhiệm vụ, như ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát, hướng dẫn; đồng thời xử lý những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, phù hợp với chủ trương trong nghị quyết của Quốc hội.
Về nguồn lực đầu tư, Bộ trưởng cho biết, Quốc hội đã phê duyệt bố trí 104.000 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi đại biểu tại sao vốn sự nghiệp cao hơn vốn đầu tư công, theo ông Hầu A Lềnh, với cơ cấu 54 nghìn tỷ đồng vốn sự nghiệp chủ yếu tập trung giải quyết cho những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân và đó là của giai đoạn 2016-2020 còn hiệu lực thi hành và được tích hợp vào chương trình, nguồn vốn đối tượng hỗ trợ là người dân nên không thể sử dụng nguồn vốn đầu tư theo Luật Đầu tư công mà phải sử dụng nguồn vốn sự nghiệp. Chính vì vậy, cơ cấu vốn sự nghiệp nhiều hơn so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
8h ngày 7/6: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong sáng nay, Quốc hội sẽ dành 60 phút để tiếp tục chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sẽ báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm và việc phối hợp 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu và Bộ trưởng hỏi nhanh, đáp gọn, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm và những vấn đề mới chưa được chất vấn để làm rõ các vấn đề, giải pháp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn
Điều hành nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình, sáng ngày 7/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và các thành viên Chính phủ liên quan đối với nhóm vấn đề về dân tộc.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm nghèo
Trả lời ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa về việc nhiều hộ gia đình ở vùng nghèo không muốn thoát nghèo, Bộ trưởng cho biết, qua nghiên cứu tài liệu của các bộ ngành, các địa phương liên quan và khảo sát thực tế, hiện tượng này là có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố.
Theo Bộ trưởng, tuy đã thoát nghèo, nhưng thực tế đời sống vẫn rất khó khăn, người dân thoát nghèo có thu nhập cải thiện không nhiều, trong khi không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính sách.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp. Nguyên tắc, tiêu chí giảm nghèo đã được ban hành. Để thống kê, tổng hợp, rà soát hộ nghèo trên phạm vi cả nước, các địa phương cần thực hiện một cách khách quan, trách nhiệm, đảm bảo người dân thoát nghèo bền vững, đảm bảo điều kiện tối thiểu để người dân yên tâm sinh sống. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện vươn lên.
Hệ thống tiêu chí giảm nghèo còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phụ thuộc vào yếu tố phát triển từng giai đoạn, nên cần xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp, tổng hợp, tiến tới phải có những hệ thống tiêu chí phù hợp hơn, để người thoát nghèo sống tốt, không tái nghèo.
Bố trí nguồn vốn đủ để triển khai nghị quyết của Quốc hội
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, về bố trí vốn, theo Nghị quyết được Quốc hội phê duyệt, đến nay Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí đủ vốn là 104.000 tỷ đồng cho giai đoạn từ nay đến 2025, đó là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, còn một số nguồn vốn khác như vốn tín dụng 19.700 tỷ, vốn địa phương đối ứng trên 10.000 tỷ; huy động vốn ngoài ngân sách khoảng hơn 2.000 tỷ từ nguồn ODA và khuyến khích một số nguồn vốn xã hội khác.
Bộ trưởng cho biết, việc bố trí nguồn vốn đã đủ để triển khai theo nghị quyết Quốc hội phê duyệt.
Về việc huy động nguồn vốn khác, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết cơ quan này đã phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng kế hoạch huy động nguồn vốn khác ngoài ngân sách, như vốn của các DN, Tổng công ty nhưng giai đoạn 2020-2021 rất khó khăn do đại dịch Covid-19 nên không đặt vấn đề huy động vốn của doanh nghiệp và các tổng công ty.
Về vốn ODA, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc đã có một dự án phối hợp với các bộ ngành huy động ngân sách gần 9.000 tỷ đồng, khảo sát để đầu tư 75 tuyến đường cho các xã đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, năm 2022, việc đàm phán gặp nhiều vướng mắc do vốn chưa được giải ngân, áp lực về trần nợ công nên các bộ ngành có ý kiến cân nhắc dự án này vào thời điểm thích hợp.
Vì vậy, theo Bộ trưởng, dự án này đang tạm dừng. Song Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết tới đây sẽ nghiên cứu, đàm phán lại và cố gắng thực hiện dự án này từ nay đến 2025.
Phải để người dân cảm nhận được chính sách, chung tay thực hiện
Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), Bộ trưởng Hầu A Lềnh cảm ơn đại biểu đã nêu câu hỏi “rất dễ nhưng cũng rất khó”. Ông Hầu A Lềnh cho biết, quá trình công tác của bản thân từng kinh qua nhiều vị trí nhưng vị trí nào cũng gắn với lĩnh vực dân tộc.
“Bản thân tôi cũng là người dân tộc thiểu số nên cảm xúc ở mỗi vị trí công việc khác nhau. Nhưng hiện nay với tư cách Bộ trưởng, tôi nghĩ việc đầu tiên là phải hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao trong triển khai các chính sách dân tộc”, ông Hầu A Lềnh nói sẽ cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ.
Chia sẻ về vấn đề trăn trở, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói trăn trở của ông chung với trăn trở của bà con. “Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đang dần hoàn thiện nhưng dù chính sách nhiều đến đâu, nguồn lực nhiều đến đâu mà bà con không tiếp nhận được, không đồng lòng cùng thực hiện thì sẽ không thành công”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ.
Bộ trưởng cũng cho biết, trăn trở nhất của ông là nhận thức của người dân, phải làm sao để người dân cảm nhận đây là chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và trách nhiệm của người dân là cùng chung tay thực hiện.
Vấn đề Bộ trưởng trăn trở nhất là gì, giải pháp cho vấn đề đó thế nào?
ĐB Phúc Bình Niê Kdăm (Đắk Lắk): Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk cũng như các địa phương khác trong cả nước đang triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, có rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải có ý kiến trả lời bằng văn bản của Ủy ban Dân tộc. Đại biểu cho biết, tỉnh đã có nhiều văn bản xin ý kiến từ tháng 11/2022 cho đến nay nhưng chưa được hướng dẫn.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết về triển khai dự án, có phải thực hiện theo đúng các dự án đã được tổng hợp trong báo cáo nghiên cứu khả thi hay không? Đồng thời việc tổ chức rà soát, xác định đối tượng, lựa chọn hình thức bố trí ổn định dân cư, tập trung xen ghép hoặc ổn định tại chỗ cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương có phải thẩm quyền của UBND tỉnh hay không?
ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu: Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một số dự án và tiểu dự án trong chương trình còn có những vướng mắc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm rõ đâu là vướng mắc lớn nhất và hướng khắc phục trong thời gian tới?
ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn): Năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị Quyết 120/2020/QH14 về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, do đây là quy định mới nên trong quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn. Mặc dù bản thân Bộ trưởng cũng như Ủy ban Dân tộc đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, phải đến năm 2022 mới có thể triển khai trong thực tiễn.
Đề nghị Bộ trưởng đánh giá cụ thể về quá trình triển khai Nghị quyết của Quốc hội và các giải pháp để triển khai hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực trong thời gian tới.
ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang): Nghị định 05 năm 2011 về công tác dân tộc đã ban hành 12 năm, hiện nay có nhiều bất cập, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ sửa đổi hay chưa? Nguyên nhân của thực trạng trên là gì?
Ngày 23/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 71 gửi các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi. Với vai trò là cơ quan thường trực của Chương trình này, đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào Bộ thực hiện xong theo yêu cầu của Công điện 71 để cho các địa phương triển khai thực hiện.
ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết, đến nay Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã đảm nhận nửa nhiệm kỳ. Vấn đề Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trăn trở nhất là gì và giải pháp cho vấn đề đó trong thời gian tới.
ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông): Trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một số dự án và tiểu dự án gặp khó khăn, vướng mắc. Đề nghị làm rõ các trách nhiệm, giải pháp tháo gỡ để triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình này.
ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam): Những bất cập trong việc giao đất cho đồng bào sản xuất, trong đó có trường hợp giao đất cho đồng bào nhưng đất sản xuất không đủ điều kiện cơ bản khiến đồng bào không sản xuất được rồi bỏ; tình trạng lấn chiếm, bán, sang nhượng đất sau khi được giao… thời gian qua.
Đề nghị làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào để xảy ra tình trạng này và những giải pháp căn cơ?
Cần làm rõ những vướng mắc liên quan đến đối tượng thụ hưởng các chính sách
Về khó khăn, vướng mắc trong phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, việc phân định này được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện theo Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, lúc đó thực hiện phân định theo miền núi, vùng cao. Giai đoạn 2, thực hiện phân định theo trình độ phát triển, xác định các thôn, xã đặc biệt khó khăn để làm địa bàn đầu tư tập trung trọng tâm trọng điểm.
Trong quá trình phân định thuộc 2 giai đoạn, Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, tham mưu Chính phủ xác định các tiêu chí. Từ năm 1996 đến nay, các chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nhất theo tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển.
Gần đây nhất, Nghị quyết 120 của Quốc hội đã giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể để xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 33 để xác định tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển.
Trên cơ sở tiêu chí được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 861, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng ủy quyền ban hành Quyết định số 612 phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn.
Quá trình phân định dựa trên một số tiêu chí: Những xã, thôn có 15% dân số trở lên là người dân tộc thiểu số thì xác định là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xã có tỷ lệ hộ nghèo 15% trở lên thì là xã nghèo. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, với những xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% thì không còn là xã nghèo nữa, tuy nhiên, trong thực tế cũng xuất hiện một số bất cập.
Về tác động của quyết định số 861, các xã không còn là vùng đặc biệt khó khăn nữa, không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của giai đoạn 2016-2020, đã có tác động, ảnh hưởng đến 12 chính sách. Chính phủ đã giao các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, thông tư có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách bảo hiểm với người dân tộc thiểu số.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan đang sửa Nghị định 146, trong đó có bổ sung, đưa các đối tượng thuộc diện không ở các xã đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn là hộ dân tộc thiểu số khó khăn vào diện tiếp tục thụ hưởng. Dự thảo đang được xin ý kiến các cơ quan liên quan để trình Chính phủ trong thời gian tới.
Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng làm rõ 2 nội dung. ĐB Nguyễn Tạo đề nghị sớm nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật về hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, phần giải trình của Bộ trưởng về Luật Dân tộc.
Vấn đề thứ hai cần làm rõ là những vướng mắc trong thời gian qua liên quan đến đối tượng thụ hưởng các chính sách. Việc thực hiện các chính sách thụ hưởng theo đối tượng hay theo địa bàn, hay cả hai; hoặc trên cơ sở đối tượng, cộng thêm địa bàn. Nếu phân loại như 12 chính sách, có khoảng 2 triệu người không được hỗ trợ chính sách bảo hiểm xã hội; đề nghị bộ trưởng làm rõ. Hiện nay, Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng đang bàn vấn đề này, đề nghị ĐBQH quan tâm, sau phiên chất vấn làm rõ được điều này sẽ rất tốt.
Trả lời câu hỏi mà Chủ tịch Quốc hội gợi mở, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, từ năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã trình đề nghị xây dựng Luật Dân tộc. Sau 2 nhiệm kỳ, đã tổ chức nhiều hội thảo, đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13. Tuy nhiên, lĩnh vực dân tộc liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau, để đảm bảo xây dựng luật phù hợp, thống nhất, không chồng chéo luật khác, cần thời gian nghiên cứu, chưa trình được.
“Quan điểm của tôi có được luật thì tốt, cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng chính sách, nhưng cần căn cơ, đầy đủ vì lĩnh vực này không phải pháp luật chuyên ngành”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.
Thực hiện Kết luận 65 của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội giao nhiệm vụ nghiên cứu Luật Dân tộc trong khoá này do Hội đồng Dân tộc chủ trì nghiên cứu. Ủy ban Dân tộc sẽ chuyển hồ sơ nghiên cứu trước đây và phối hợp thực hiện.
Vướng mắc khiến việc đào tạo nghề cho người có thu nhập thấp chưa thực hiện được
ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đánh giá tác động từ quyết định phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III? Nhất là khi 2,4 triệu người không còn là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ mua BHXH, BHYT.
Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng du canh, du cư tự phát, chặt phá rừng. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những vấn đề nhức nhối nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong thời gian tới để giải quyết tình trạng này?
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng): Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới việc xây dựng và thực thi chính sách dân tộc, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển trong cộng đồng dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, luôn luôn phát sinh những bất cập, tồn tại và bất cập trong quá trình triển khai và thực hiện.
Cử tri cho rằng cần có những định hướng hoàn thiện về cơ chế, chính sách dân tộc trong thời gian tới, đó là sớm nghiên cứu ban hành Luật về hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với tư cách là tư lệnh ngành, đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về nhận định trên? Và đưa ra các giải pháp trong thời gian tới?
ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) nêu: Chính sách dân tộc hiện nay "tản mát" ở nhiều văn bản, chồng chéo, nhiều tầng lớp, nguồn lực phân tán dẫn đến chưa phát huy hiệu quả, thiếu tính bền vững, như dầu đổ vào đèn, cháy hết thì lại đổi dầu.
Ý kiến của Bộ trưởng như thế nào, có cần thiết để rà soát điều chỉnh chính sách dân tộc để khắc phục những bất cập mang tính hệ thống hay không?
ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam): Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nhưng sau 3 năm triển khai chương trình vẫn rất chậm, ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp trong thời gian tới?
Bên cạnh đó, hiện nay, việc đào tạo nghề cho người có thu nhập thấp ở nhiều tỉnh chưa thực hiện được vì vướng do không xác định được thế nào là người có thu nhập thấp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết những vướng mắc trên, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai dự án này?
Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển rõ rệt
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và cấp bách của Đảng, Nhà nước, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo sự phát triển cho cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng cao.
Chương trình mục tiêu quốc gia được thiết kế với 10 dự án thành phần có sự tham gia của nhiều bộ ngành, đã được triển khai trên 51 tỉnh, thành, nhằm đạt mục tiêu tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, đảm bảo nguồn lực tập trung, đầu tư có trọng tâm trọng điểm.
Bộ trưởng cho biết, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bất cập như: Hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và một số chính sách mặc dù đã được ban hành nhưng văn bản hướng dẫn được triển khai chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, làm chậm triển khai các chính sách đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số còn gặp vô vàn khó khăn.
Với phiên đăng đàn lần này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết sẵn sàng trả lời chất vấn của các ĐBQH về 4 nhóm vấn đề quan trọng liên quan lĩnh vực quản lý của Ủy ban Dân tộc.
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết có 69 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh.