XEM CLIP:

Sáng 27/5, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ trưởng Công an cho biết, luật sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính. Bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông.

Ngoài ra cũng bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày tờ trình trước Quốc hội sáng nay.

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm cho biết, luật sửa đổi để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Ngoài ra đề xuất mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước.

Dự thảo luật cũng đề xuất nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của luật.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí với việc bổ sung loại giấy tờ xuất nhập cảnh và thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh.

Theo ông Tới, việc bổ sung này là bước đi tiếp theo nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc sau khi Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định mở về thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh để bảo vệ công dân Việt Nam và bảo đảm yêu cầu về đối ngoại.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng.

Cơ quan thẩm tra nhận định, việc quy định thị thực điện tử có giá trị nhiều lần sẽ tạo sự thuận lợi, chủ động cho người nước ngoài trong các lần nhập cảnh, xuất cảnh, góp phần giảm tải thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nước ngoài.

Việc nâng thời hạn thị thực được kỳ vọng sẽ thu hút thêm khách du lịch quốc tế.

Việc nâng thời hạn thị thực điện tử lên không quá 3 tháng sẽ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, người nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính thuyết phục, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo bổ sung làm rõ cơ sở, căn cứ để quy định thời hạn không quá 3 tháng. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nâng thời hạn thị thực điện tử lên không quá 6 tháng.

Các ý kiến cũng nhất trí với việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Cơ quan thẩm tra cho rằng đề xuất này phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức khác, du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác.

Quy định này tương tự của một số nước trong khu vực như Singapore từ 30-90 ngày, Malaysia là từ 14-90 ngày, Myanmar từ 28-70 ngày, Philippine từ 30-59 ngày, Thái Lan lên đến 45 ngày, Indonesia tối đa 30 ngày, Campuchia từ 14-30 ngày.

Khách quốc tế vui chơi trên đồi cát Việt Nam.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ được cơ sở, căn cứ của đề xuất 45 ngày, đề nghị bổ sung lập luận cụ thể, thuyết phục hơn. Có ý kiến đề nghị nâng thời hạn tạm trú lên tối đa 60 ngày để có thể linh hoạt hơn trong việc cấp chứng nhận tạm trú.

Cuối năm 2022, khi số lượng khách quốc tế không như kỳ vọng, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất Chính phủ kéo dài thời gian lưu trú với du khách lên 30 ngày nhằm tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Ông cho rằng, thời gian tạm trú 15 ngày là rất ngắn, chưa phù hợp nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, nhất là thị trường châu Âu.

Hôm nay Quốc hội sẽ thảo luận tổ về 2 dự án luật này, thảo luận tại hội trường ngày 2/6 và biểu quyết thông qua sáng 24/6.

Du lịch văn hóa mở 'cánh cửa' ngành công nghiệp triệu đô

Du lịch văn hóa mở 'cánh cửa' ngành công nghiệp triệu đô

Việt Nam đã có tour du lịch văn hóa, các show thực cảnh chạm đến cảm xúc của du khách. Nhưng với nguồn tài nguyên văn hóa giàu có, cần nhiều hơn các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, đưa văn hóa thành ngành công nghiệp triệu đô.
Thông điệp mạnh mẽ, đáng mừng cho du lịch

Thông điệp mạnh mẽ, đáng mừng cho du lịch

Việc Thủ tướng lắng nghe ngành du lịch, Chính phủ đồng thuận trình Quốc hội về chính sách visa cởi mở là thông điệp mạnh mẽ nhất cho du lịch từ trước đến nay về thể chế và sự quan tâm của nhà nước với ngành kinh tế chủ lực.