Những tour du lịch ‘chạm tới cảm xúc’
Chào đón các vị khách lên du thuyền Heritage Bình Chuẩn là tiếng trống rộn rã, vang vọng giữa bốn bề tĩnh lặng của vịnh Lan Hạ. Gần 30 khách quốc tế, đến từ Mỹ, Đức, Anh, Singapore, Myanmar, Israel,… vô cùng hào hứng.
Trên tàu, mọi không gian đều lắng đọng ký ức. Mỗi bức tranh, quyển sách, mỗi đồ vật đều gắn với những câu chuyện văn hóa, lịch sử mà nhân viên có thể kể hàng giờ. Khi cần thông báo, trưởng tàu cầm chiếc mõ đem đi gõ khắp các phòng. Ngày tham quan di sản, tối xúng xính trong tà áo dài dân tộc, khách được thưởng thức những đặc sản địa phương nổi tiếng trong tiếng đàn tranh.
“Các sản phẩm du lịch đậm chất văn hóa thế này sẽ thu hút nhiều khách quốc tế đến Việt Nam hơn nữa”, bà Frances Barnett Brookner, một du khách đến từ Mỹ, nói.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, chia sẻ: “Lấy cảm hứng từ chiếc tàu của doanh nhân Bạch Thái Bưởi, chúng tôi muốn đưa tất cả các yếu tố văn hóa vào sản phẩm du lịch của mình, làm sao để khách có thể chạm vào văn hóa Việt Nam một cách tinh tế, sâu sắc, làm cho trải nghiệm của họ đáng nhớ hơn khi đến Việt Nam”.
Theo ông Hà, Việt Nam hoàn toàn tự hào là điểm đến di sản hàng đầu thế giới. Ngoài ra, khách nước ngoài rất quan tâm đến các tour văn hóa và trải nghiệm văn hóa, phong tục truyền thống, lễ hội, ẩm thực, kiến trúc tại Việt Nam. Nếu kết hợp, đưa vào sản phẩm du lịch sẽ rất hút khách. Tại Heritage Bình Chuẩn, khách quốc tế đã phục hồi 60-70%. Thay vì ở một đêm, có đoàn giờ ở 3-4 đêm, tới đây du thuyền phục vụ đoàn khách tỷ phú Nga ở 7 đêm.
Cũng hướng tới tour du lịch văn hóa, bà Lê Thị Thu Trang, Giám đốc Công ty SGO Travel, nhận xét, nhu cầu của du khách ngày càng cao, với những chuyến đi đòi hỏi nhiều hơn chứ không đơn thuần là cảnh đẹp. Trong khi đó, Việt Nam có quá nhiều chất liệu văn hoá ở khắp mọi miền đất nước: lịch sử, nghệ thuật, danh nhân, phong tục,... nếu không đưa vào làm du lịch là lãng phí tài nguyên.
Bà cho rằng, việc của những người làm du lịch văn hoá là kể ra những câu chuyện gắn với điểm đến, kết nối những câu chuyện đó trong hành trình của khách tạo ra trải nghiệm thực tế và đưa nghệ thuật biểu diễn vào sản phẩm.
Như tại GSO Travel, công ty mới đưa vào tour Theo dấu chân Phật hoàng, khởi hành từ Hoàng Thành Thăng Long - thăm chùa Vĩnh Nghiêm - thăm Tây Yên Tử, những điểm đến gắn liền với vua Trần Nhân Tông trong hành trình trị vì, hoằng pháp và tu tập. Kết thúc tour, hành khách được tự tay in mộc bản - một trải nghiệm mà khách vô cùng thích thú, bà nói.
Ngay tại Hà Nội, du khách cũng được tham gia những tour du lịch văn hóa độc đáo. Bà Nguyễn Thị Định, đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết, từ năm 2021, loạt tour caravan Trở về cội nguồn - Linh thiêng đất tổ, tour bộ hành Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội, chùm tour Bác Cổ - mùa hoa gạo, tour Thăng Long - Kẻ chợ,... ghi nhận những thành công nhất định.
Bà dẫn chứng, chùm tour Bác Cổ - mùa hoa gạo khai trương ngày 14/3 vừa qua, dự kiến mỗi tuần một tour, khai thác trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, hai tuần cuối, khách rất đông nên bảo tàng phải tăng lên 2 tour/tuần.
Lịch sử đặt Huế là trung tâm văn hóa, chính trị của đất nước vào thế kỷ XVI, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh, cho hay nhờ đó năm 2019 Huế đã đón được hơn 4,9 triệu lượt khách, đóng góp 12% vào GDP của địa phương. Trong đó, đáng lưu ý 85% du lịch Huế là du lịch văn hóa di sản. Ông Hải cho rằng, chỉ cần 20% lượng khách đến Huế may áo dài với chi phí tầm 1 triệu đồng/người, Huế sẽ có thêm nguồn thu dự kiến lên đến trên 900 tỷ đồng.
Cần biến tài nguyên thành sản phẩm du lịch
Tại Diễn đàn “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” ngày 14/4, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20-25% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch.
Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam. Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh ‘Ký ức Hội An’, ’Áo dài’, ’Tinh hoa Bắc Bộ’, ‘Múa rối nước’, ‘À Ố Show’. Ngoài ra, các tour du lịch làng nghề cũng được nhiều khách quốc tế lựa chọn khi đến Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, nếu so với tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa to lớn thì việc phát triển du lịch văn hóa tại Việt Nam vẫn hạn chế. Đặc biệt, các sản phẩm về công nghiệp văn hóa chưa phát triển nhiều để phục vụ nhu cầu du lịch. Trong nhiều năm, du lịch Việt Nam được cho là rất thiếu các sản phẩm du lịch trình diễn, tương tác và trình diễn văn hóa, thiếu các công trình văn hóa nghệ thuật, các trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách.
Ngoài ra, ông Phạm Hà phân tích, Việt Nam chưa đưa được tài nguyên văn hóa trở thành những sản phẩm hay công nghiệp văn hóa như các nước đã làm, điển hình là Hàn Quốc. Họ đã rất thành công khi biến văn hóa thành một ngành công nghiệp triệu đô, lớn hơn cả các nhà máy, công xưởng; lại góp phần quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra thế giới.
Nhấn mạnh vai trò của văn hóa với du lịch, là nguồn tài nguyên lớn và trụ cột để phát triển du lịch bền vững, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông nhìn nhận đây là xu hướng mà các nước đang khai thác một cách triệt để.
Thứ trưởng đánh giá, thị trường du lịch đang thiếu vắng những gì sản phẩm để khách nghe nhìn, cảm nhận. Một số điểm đến đã có các show diễn thực cảnh, nhưng vẫn ít. Việc tuyên truyền quảng bá du lịch văn hóa còn bỏ ngỏ nên khách quốc tế cũng như khách trong nước chưa hiểu rõ về Việt Nam. Do đó, năm 2023, Bộ VH-TT&DL sẽ liên kết với một số đơn vị triển khai show diễn Việt Nam huyền sử ca và tổ chức hội nghị để thúc đẩy đầu tư, phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, kiến nghị, để phát triển du lịch văn hóa, cần đẩy mạnh hợp tác công tư, trong đó nhà nước đầu tư kinh phí cơ bản, khối tư nhân đầu tư về dịch vụ du lịch, sản phẩm kết nối các điểm đến.
Theo ông Vũ Văn Tuyên, Tổng giám đốc Travelogy, thực tế cho thấy một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Malaysia... rất thành công trong việc phát triển loại hình du lịch văn hóa gắn với hoạt động sáng tạo, được đầu tư về tài chính cũng như công nghệ hiện đại, ứng dụng đồng bộ 3 phương thức tái hiện, mô phỏng và thuyết minh sản phẩm. Đây là những sản phẩm du lịch có tính nghệ thuật sáng tạo cao và sức thu hút rất lớn đối với du khách mà Việt Nam nên học tập.