Chiều 30/10, giải trình về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết đây là nhiệm kỳ thứ 2 thực hiện chương trình, khác với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này công việc đòi hỏi phải cao hơn, "trước đây đã khó thì giờ khó hơn". Vì không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, cao hơn và toàn diện hơn.
Thời gian qua, việc triển khai chương trình gặp không ít khó khăn, thách thức, trong đó nguyên nhân khách quan tác động từ dịch bệnh Covid-19, tình hình thiên tai, lũ bão, sạt lở...
Ông Dung cho biết vẫn còn nhiều điều hạn chế, đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo, chất lượng giảm nghèo, tính bền vững của giảm nghèo. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là địa phương, sự vươn lên của các hộ thì kết quả đạt được rất đáng ghi nhận.
Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm sáng, là nước duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bền vững.
"Không ai sinh ra và lớn lên mà muốn mình nghèo, không ai muốn không thoát nghèo nhưng chỉ vì chưa có khả năng thoát nghèo", Bộ trưởng cho biết. Bởi nếu còn trong danh sách hộ nghèo thì chí ít còn hưởng chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng nêu "không còn chính sách cho không" mà đã chuyển sang hỗ trợ có điều kiện sản xuất, nhà ở, sinh kế và đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Tại các địa phương có hàng trăm hộ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và chủ động nhường quyền lợi cho người khác. Ông dẫn chứng khi tiếp xúc người dân rất e ngại khi nhận danh hiệu này, cảm thấy băn khoăn và muốn vươn lên. Bộ trưởng cho rằng đây là điều cần biểu dương các hộ nghèo.
Về tách hộ nghèo không có khả năng lao động, thoát nghèo, Bộ LĐTB&XH đã triển khai và đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đưa ra tiêu chí để khi tách ra những người này có cuộc sống tốt hơn, không thấp hơn hộ nghèo. "Khi tách ra còn hưởng hay không hưởng chính sách hộ nghèo cần cân nhắc thấu đáo", Bộ trưởng đặt vấn đề.
"Dưới thì chờ trên, trên thì bảo dưới cứ làm đi nhưng dưới sợ"
Bộ trưởng đánh giá việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đang triển khai tương đối tốt. Còn chương trình phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc miền núi thực hiện khó khăn hơn.
Bộ trưởng phân tích cả ba chương trình này có 4 vấn đề. Thứ nhất, ban hành quá nhiều văn bản, trung bình một chương trình có từ 60-70 văn bản, "rừng văn bản" dù không muốn nhưng vẫn phải ban hành vì thực hiện quy định của pháp luật không thể không ban hành được.
Thứ hai, phân cấp, phân quyền chưa rõ, chưa đến nơi, đến chốn, "dưới thì chờ trên, trên thì bảo dưới cứ làm đi nhưng dưới sợ", Bộ trưởng nêu. Điều này dẫn đến thông tư của Bộ đã ban hành nhưng dưới lại đề nghị tiếp hướng dẫn của hướng dẫn.
"Chúng tôi kiểm tra mình hướng dẫn chưa đến nơi, đến chốn hay không rõ nhưng không phải vậy", Bộ trưởng cho biết.
Thứ ba, phân bổ dự án nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải quá nhiều, riêng chương trình giảm nghèo trên 1.000 dự án nhỏ khác nhau. Trung ương giao vốn chi tiết đến từng dự án, cho nên việc triển khai chậm, khó khăn, khi phát hiện ra những điều không phù hợp cũng không được tự điều chỉnh nếu không báo cáo cấp có thẩm quyền.
Thứ tư, mục tiêu đặt cao nhưng vốn ít, trong khi đó lại yêu cầu địa phương đối ứng vốn dẫn đến khó khăn hơn. Bộ trưởng nêu thực trạng: "Việc giao vốn đã chậm rồi, nhỏ giọt, về địa phương tiếp tục chậm, thành thử dồn vào 4-5 nguyên nhân. Khâu tổ chức, thực hiện cũng có vấn đề".
Để triển khai nhanh, hiệu quả các chương trình này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội 7 cơ chế chính sách đặc thù. Tuy nhiên, theo ông, trong nghị quyết giám sát Quốc hội sắp tới, nên cho phép thí điểm trao quyền "trọn gói" cho cấp huyện được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình với nhau.
Bộ trưởng đề xuất: "Tôi đề nghị Quốc hội cho phép mỗi tỉnh chọn một, hai huyện làm thí điểm. Huyện quyết định toàn vẹn, tỉnh chỉ làm nhiệm vụ điều phối, kiểm tra, giám sát, Trung ương kiểm tra mục tiêu, thanh tra, kiểm tra, tổng kết chương trình".