Chiều 1/6, giải trình tại buổi thảo luận về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công có xu hướng đầu năm rất thấp, nhưng tăng mạnh về cuối năm.
Theo ông Dũng, nguyên nhân là do các nhà đầu tư phải chuẩn bị ở đầu năm, xong thủ tục, nhận được vốn mới triển khai. “Đặc thù riêng về vấn đề này là như vậy”, Bộ trưởng KH&ĐT nói.
Tuy vậy, ông Nguyễn Chí Dũng cũng nêu vấn đề cùng một mặt bằng pháp lý, cùng một khó khăn như nhau, nhưng có bộ ngành, địa phương làm rất tốt, đạt tỷ lệ rất cao. Ngược lại cũng có bộ ngành làm không tốt, đạt tỷ lệ rất thấp. “Điều này có cả trách nhiệm của cơ quan chủ quản, đầu tư”, ông Dũng nói.
Bên cạnh những nguyên nhân tồn tại từ lâu được đại biểu nêu ra và Chính phủ đã nhận diện, theo ông Nguyễn Chí Dũng, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án lâu, năng lực ban quản lý dự án, nhà thầu, cũng như trách nhiệm vào cuộc của người đứng đầu có vấn đề, hạn chế.
Ngoài ra, năm 2023 có đặc thù, đặc điểm riêng đó là quy mô vốn đầu tư công lớn hơn các năm (710.000 tỷ đồng, cao hơn các năm 23%, tương ứng 130.000 tỷ đồng). Đặc biệt, thời gian vừa qua có tình trạng một bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh, làm cho các thủ tục kéo dài.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng KH&ĐT nêu một số giải pháp như rà soát lại quy định pháp luật. “Chắc chắn trong Luật Đầu tư công có vấn đề hoặc ít nhất trong các nghị định hướng dẫn, chúng tôi sẽ nghiêm túc xem lại vấn đề này. Còn khâu nào đẩy nhanh được, rút ngắn được chúng tôi sẽ nghiêm túc làm”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề cập đến giải pháp điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
“Nhân đây tôi cũng đề nghị các đại biểu tăng cường công tác giám sát tại địa phương mình, ngành mình, để giúp Chính phủ cải thiện tốt công tác này trong thời gian tới”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói.