Sáng 6/6, chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, nhiều đại biểu đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề lao động, việc làm.
Năng suất lao động Việt Nam so với mặt bằng chung có thể thấp
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) chất vấn: “Người Việt Nam thông minh và chịu khó nhưng làm thế nào để nâng sức lao động phát triển, thoát khỏi vùng chuẩn của khu vực ASEAN, ngang bằng các nước trên thế giới?”.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có nhiều nguyên nhân khiến năng suất lao động Việt Nam còn thấp, trong đó phụ thuộc 2 yếu tố. Thứ nhất là vốn, công nghệ; thứ 2 là kỹ năng trình độ của người lao động. Trong đó vấn đề kỹ năng, trình độ của người lao động là một trong những khâu quan trọng.
"Báo cáo với đại biểu là tôi không đồng tình với ý kiến gần đây một số người nói năng suất lao động người Việt Nam thấp hơn cả một số nước bên cạnh chúng ta. Nói năng suất lao động Việt Nam thấp hơn của Campuchia, Lào, tôi cho là không phải thế", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.
Theo ông Dung, có nhiều yếu tố khiến năng suất lao động Việt Nam thấp, thứ nhất là lực lượng lao động phân bố ở khu vực nông nghiệp rất cao, làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thương mại thấp.
Thêm vào đó, quy mô lao động Việt Nam rất lớn, do đó cũng một công việc ấy, một người làm nhưng chúng ta san sẻ 2, 3, 4 người làm nên tỉ lệ thất nghiệp không cao.
Từ đó ông cho rằng, thời gian tới cần chú ý 3 vấn đề. Đó là cơ cấu lại lực lượng lao động; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; hạn chế sử dụng các ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động.
Chưa hài lòng với câu trả lời trên đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) cho rằng, Bộ trưởng giải thích về năng suất lao động thấp có 2 nguyên nhân do KHCN, kỹ năng trình độ lao động.
Đại biểu bày tỏ chỉ đồng ý một phần và cho rằng còn do một nguyên nhân nữa rất lớn là do tính chịu trách nhiệm cá nhân còn thấp. Thay vì một cá nhân chịu trách nhiệm về việc đó, chúng ta lại tổ chức cuộc họp.
“Năng suất lao động của nước ta chỉ bằng 1/10 số lượng người tham gia cuộc họp đó. Do vậy, khi nhìn nhận nguyên nhân còn thiếu, từ quy trình, thủ tục giải quyết công việc, chúng ta lại triệt tiêu ngay việc phối hợp với các bộ, ngành khác để có giải pháp tốt hơn trong việc nâng cao năng suất lao động”, đại biểu tranh luận.
Phần đông số người bị lừa xuất khẩu lao động đều là qua công ty ma
Cùng quan tâm đến vấn đề lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu thực tế, những năm qua số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng rất nhanh. Tuy nhiên, số lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức cũng khá nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng.
“Nguyên nhân của tình trạng vừa nêu theo Bộ trưởng là gì và những giải pháp khắc phục của Bộ trưởng trong thời gian tới?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong 2022 có 142.000 người xuất khẩu lao động, chiếm 10% số người được giải quyết việc làm trên 1 năm. Những trường hợp trên đi theo Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do các công ty, doanh nghiệp được cấp phép đưa đi. Hiện có 482 doanh nghiệp được cấp phép.
“Số người đi lao động nước ngoài qua các doanh nghiệp này ít khi bị lừa, phần đông số bị lừa đều là công ty ma, không được cấp phép hoặc lừa đảo, trá hình. Những trường hợp này chúng tôi cùng các cơ quan chức năng, địa phương xử lý rất nhiều. Có trường hợp công ty được cấp phép nhưng cũng lừa đảo, lừa cả 2 đầu, bên kia cũng lừa, bên này cũng lừa”, Bộ trưởng LĐ-TB-XH nêu thực tế.
Theo ông Dung, có 2 dạng lừa, một là lừa đi thu tiền môi giới cao hơn, hai là không đúng ngành nghề đào tạo, đưa sang nước ngoài bị trả về hoặc có việc không tốt, trốn ở lại.
“Thời gian qua bộ cũng xử phạt nhiều. Trong năm 2022, thanh tra xử phạt 62 doanh nghiệp, chủ yếu phạt tiền; 4 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép.
Phần đông số bị lừa là công ty ma, không có địa chỉ, không phải doanh nghiệp do Nhà nước cấp phép”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung một lần nữa khẳng định.