Thẳng tay với tình trạng tự phát
Sau buổi thị sát kéo dài 12 giờ đồng hồ tại hàng loạt địa điểm nằm trong chuỗi giá trị thực phẩm trên địa bàn TP.HCM như: Chợ đầu mối Bình Điền, MM Mega Market, Co.op Extra, nông trại Nông Phát (Hóc Môn), WinEco (Củ Chi) vào ngày 17/10, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM - khẳng định, thời gian tới, thành phố sẽ quyết liệt và hết sức thẳng tay với tình trạng tự phát trong cung ứng thực phẩm để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo bà Lan, trong thời gian giãn cách, thiếu thốn về lương thực thực phẩm, chúng ta đã thông cảm với các điểm chợ tự phát. Song đến nay, trật tự cần được lập lại.
“Nếu không được chấn chỉnh ngay sẽ gây bất công cho người làm đúng. Đã có những lời bào chữa được đưa ra nhưng không thể sống trái pháp luật. Nhà chức trách sẽ có biện pháp mạnh tay trong thời gian tới”, bà Lan nói.
Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, tới đây, cần hạn chế thấp nhất rủi ro trong vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là nỗi niềm xã hội, liên quan tới sức khỏe của người tiêu dùng. Họ cần sự minh bạch trong thông tin.
Thử nhìn lại, bộ máy nhà nước nhỏ và bao giờ cũng chậm hơn so với hoạt động sản xuất hàng ngày của thị trường. Mỗi người nông dân khi đưa sản phẩm ra thị trường chỉ quá tay một chút xíu, mọi sự cố đã đi quá xa mất rồi.
Ông Hoan thừa nhận, nền nông nghiệp Việt Nam đang ở trạng thái quá manh mún, nhỏ lẻ, tự phát với quá nhiều người nông dân, quá nhiều doanh nghiệp và hệ thống đang cùng tham gia. Quan tâm tới nông nghiệp Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế lưu ý rằng, nếu không tổ chức lại nông nghiệp sẽ thất bại, bởi mỗi người nông dân đều tự mang những suy nghĩ riêng về phát triển nông nghiệp.
Trước đây, chúng ta nhìn nông nghiệp qua nông sản nhưng giờ thì chúng ta nhìn nông nghiệp qua người tham gia trực tiếp, đầu tiên là người nông dân và sau đó là doanh nghiệp. Doanh nghiệp đừng nghĩ là chỉ mua bán là đủ, được giá thì mua không được giá thì thôi.
Nền nông nghiệp Việt Nam phải tổ chức lại, doanh nghiệp phải tạo ra hình ảnh với người nông dân, có trách nhiệm với người nông dân, với người mà mình liên kết. Doanh nghiệp biết nhiều hơn người nông dân và không phải chỉ là chủ thể thu mua nữa. Phải cùng đồng hành với người nông dân.
Xoá mù mờ bằng kiểm soát hệ thống
Theo Bộ trưởng Hoan, có một thực tế đang diễn ra trong nền nông nghiệp Việt Nam, nhiều khi muốn hỗ trợ thì không biết người nông dân ở đâu. Người trồng không biết người mua ở đâu, thu hoạch xong ngồi chờ thương lái đến mua. Doanh nghiệp muốn tìm mua sản phẩm, tìm nông dân có nguồn hàng chất lượng cũng không biết nông dân đó ở đâu.
Nông nghiệp Việt từ trước đến nay còn mù mờ. Bây giờ nếu muốn xóa lời nguyền nông nghiệp mù mờ thì tất cả hệ thống phải được kiểm soát. Bộ trưởng Hoan kêu gọi mỗi người hãy giúp ông bằng trách nhiệm, giải pháp để hàn gắn lại dòng chảy nông nghiệp phát triển bền vững của quốc gia.
Trong buổi thị sát kéo dài 12 giờ đồng hồ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan liên tục nhắc tới cụm từ “Together we win” - “cùng nhau chúng ta sẽ chiến thắng” khi chứng kiến chuỗi giá trị từ nông trại, nhà máy sản xuất cho tới chợ đầu mối, các đơn vị phân phối hiện đại.
Trả lời câu hỏi của PV. VietNamNet: “Nếu đánh giá ‘Together we win’ ở Việt Nam trong ngành nông nghiệp thì được bao nhiêu điểm trong thang điểm từ 1 đến 10?", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, có nơi sự gắn kết lên tới 90% nhưng có nơi thực sự chưa đạt. Tư duy làm nông nghiệp đang bị cắt khúc. Thực trạng là chuyện anh thì anh lo còn chuyện tôi thì tôi lo.
“Nhà nước lo chuyện nhà nước, doanh nghiệp lo doanh nghiệp và ông nông dân cũng chỉ biết chuyện của mình họ. Không có sự gắn kết với nhau. Ngay cả trong bộ máy nhà nước, giữa cấp trên với cấp dưới cũng không “together”. Bóng đổ thầy rồi thầy đổ bóng, đang có vấn đề ở đây”, Bộ trưởng nhấn mạnh.