Sáng 17/6, nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Nguyễn Mạnh Hùng đến thăm và chúc mừng Báo Đại biểu Nhân dân, Truyền hình Quốc hội.

Cùng tham dự đoàn có các Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Nguyễn Thanh Lâm, Phạm Đức Long; Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc; Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do; Chánh Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Thị Phương Lựu; Phó Chánh Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông Đồng Hải Hà; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Minh Sơn.

W-A58I7467.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng sách cho Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền.

Chia sẻ với cán bộ, lãnh đạo, phóng viên của Báo Đại biểu Nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sự khác biệt của mỗi tờ báo sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, có chỗ đứng trong lòng độc giả. Do vậy, đi tìm sự khác biệt sẽ là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi tờ báo.

Hiện nay cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí và tạp chí, vì vậy, nếu không có sự khác biệt thì các tờ báo, tạp chí sẽ bị hòa chung với nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò và "sự khác biệt" của mình, thông qua đó hướng tới tiếp cận độc giả rộng rãi hơn.

W-A58I7477.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ chụp ảnh lưu niệm với Tổng Biên tập, cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Đại biểu Nhân dân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những điểm mới thuận lợi cho công tác báo chí, truyền thông, đó là hiện nay đã có mục chi riêng dành cho công tác truyền thông. Theo đó, hằng năm các cơ quan từ bộ ngành đến các địa phương sẽ có một khoản ngân sách "đặt hàng" các cơ quan báo chí.

“Truyền thông là chức năng, là nhiệm vụ, là việc của chính quyền các cấp. Chính quyền các cấp phải có bộ máy chuyên biệt và có ngân sách thường xuyên hằng năm để chi cho việc đó thông qua đặt hàng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng đề nghị Báo Đại biểu Nhân dân sớm hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành để có thêm nguồn thu nhập, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Nhấn mạnh chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, Bộ trưởng mong muốn Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải có kiến thức về công nghệ, sử dụng công nghệ để làm báo.

Theo Bộ trưởng, báo chí cần coi công nghệ số là lực lượng làm báo chứ không phải để hỗ trợ như công nghệ thông tin. “Một cơ quan báo chí được gọi là chuyển đổi số, thì không dưới 30% nguồn lực (nhân lực và tiền) chi cho chuyển đổi số”, Bộ trưởng nói.

Thay mặt cán bộ, phóng viên và người lao động, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, sự quan tâm, động viên của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là động lực để báo tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, không ngừng nỗ lực, đổi mới, nâng cao chất lượng.

Chia sẻ về một số kết quả báo đã đạt được trong thời gian vừa qua, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Báo Đại biểu Nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác chuyển đổi số báo chí, song thực tiễn quá trình phát triển còn không ít khó khăn.

Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền mong muốn, Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục dành nhiều sự quan tâm cho tờ báo trong thời gian tới, trong đó có việc đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí.

Đơn giản hóa thủ tục trình và phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật

Tại Truyền hình Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng quan tâm đến thu nhập của cán bộ, phóng viên và người lao động; nguồn thu và chi thường xuyên của cơ quan này.

Chia sẻ với Bộ trưởng, đại diện Truyền hình Quốc hội cho biết, để "sống được" mỗi năm cơ quan này phải chi khoảng 170 tỷ đồng.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí chi thường xuyên bao gồm lương, nhuận bút cho cán bộ, phóng viên…”, lãnh đạo Truyền hình Quốc hội nói.

W-A58I7564.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với lãnh đạo Truyền hình Quốc hội.

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh cho biết, một trong những vấn đề cơ quan gặp khó khăn là việc đặt hàng của các bộ ngành dự kiến sẽ giảm mạnh trong năm 2024. Tuy nhiên, việc Truyền hình Quốc hội gặp khó khăn không phải do thiếu bộ ngành đặt hàng mà do chưa có đơn giá nên chưa lấy được tiền.

Trao đổi với lãnh đạo, phóng viên Truyền hình Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngày 14/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 05/2024/TT-BTTTT: Hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tinh thần của Thông tư 05 là đơn giản hóa thủ tục trình và phê duyệt; định mức được tính "ngang giá thị trường" - tức là chi cho nhân viên bao nhiêu thì được tính bấy nhiêu.

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Truyền hình Quốc hội cố gắng "bám" vào Thông tư 05 để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

W-A58I7656.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thăm khu trung tâm hạ tầng kỹ thuật của Truyền hình Quốc hội.

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh chia sẻ, cơ quan này là đài "trung bình và nhỏ" nên khai thác "tương đối triệt để" sức lao động của cán bộ, phóng viên.

“Kể cả khối nội dung, thời sự cũng làm chuyên đề; khối kỹ thuật làm tất cả công việc liên quan đến sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng”, ông Lê Quang Minh cho biết.

Theo ông Lê Quang Minh, Truyền hình Quốc hội đã xác định là "Thông tấn xã của Quốc hội".

“Kỳ họp Quốc hội trước đây, nhiều địa phương về Hà Nội để phản ánh các hoạt động của đoàn đại biểu. Hiện nay, Truyền hình Quốc hội đã được cấp kinh phí để cung cấp thông tin cho tất cả đài truyền hình địa phương cũng như các cơ quan báo chí và nhận được sự đồng tình. Đây là kinh nghiệm để phát triển các kênh truyền hình có yếu tố chuyên biệt”, ông Lê Quang Minh nhận định. 

Ông Lê Quang Minh khẳng định, những định hướng, gợi ý của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến Thông tư 05 hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật báo chí là "điểm tháo gỡ rất lớn" cho những khó khăn, vướng mắc về cơ chế đặt hàng của các cơ quan Nhà nước đối với báo chí.