XEM VIDEO:

Sáng 14/6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ TT&TT lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ cùng các đơn vị đồng tổ chức nghiên cứu những tri thức thu nhận được trong quá trình sửa đổi Luật Báo chí.

PSX_20240614_120327.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, thời gian qua, Bộ TT&TT đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ, phát triển báo chí, trong đó có vấn đề giải quyết câu chuyện kinh tế báo chí, bao gồm việc sửa đổi, cải cách thể chế.

Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Báo chí năm 2016. Trong đó, sẽ đưa vào một số thể chế về mô hình, quy mô, vị trí pháp lý của cơ quan pháp lý trong bối cảnh công nghệ biến động, các mô hình kinh doanh biến động.

“Có lẽ, phải đưa vào Luật Báo chí sửa đổi những khái niệm mới, tiền đề mới ở tầm luật để có thể giúp đỡ cho báo chí phát triển, trong đó có câu chuyện liên quan đến kinh tế báo chí”, ông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, những thể chế khác trong việc đặt hàng, tăng cường đặt hàng báo chí như một dịch vụ công, sản phẩm có ích cho xã hội cũng đang được sửa đổi.

“Không phải chỉ cho phép các cơ quan mạnh dạn đặt hàng báo chí nhiều hơn mà còn đa dạng hơn. Các cơ quan báo chí có thể cung cấp nhiều dịch vụ cho Nhà nước, cho các cơ quan đặt hàng trên đa nền tảng, không chỉ phụ thuộc vào nền tảng của bản thân cơ quan báo chí đó”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho hay.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, báo chí phải đáp ứng xu hướng đưa nội dung lên không gian mạng để đón người dùng thế hệ mới với thói quen hành vi đã hoàn toàn thay đổi. Báo chí không còn định vị, nhìn nhận trong các dạng thức truyền thống nữa.

Bên cạnh đó, còn có những biện pháp khác nhằm điều tiết một số bất cập trong bức tranh kinh tế báo chí. Ví dụ, thời gian gần đây đã áp dụng nắn lại dòng doanh thu quảng cáo trên không gian mạng để giảm bớt, không để chảy về các kênh có nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm bản quyền báo chí. Từ đó, sẽ có thêm nguồn doanh thu quảng cáo trở về với những trang, kênh thông tin chính thống, trong đó có báo chí.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ vấn đề thể chế đáng quan tâm là Nghị định 18/2014 quy định về nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Nghị định này đang được sửa đổi theo Luật Sở hữu trí tuệ, quy định, hướng dẫn các mức biểu phí để trả bản quyền trong lĩnh vực báo chí.

“Chúng ta nói về nguồn lực khiêm tốn của cơ quan báo chí và phải cạnh tranh với mạng xã hội. Nhưng nguồn lực đó tiếp tục bị bào mòn bởi câu chuyện vi phạm bản quyền.

Do vậy, chúng ta cần phải thay đổi thể chế theo hướng khi sử dụng nội dung sáng tạo của báo chí thì phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, các thách thức về đổi mới phương thức làm báo, giải quyết kinh tế báo chí, xét tới cùng là thách thức quản trị. Bởi vì trong quá trình đưa ra giải pháp kinh tế báo chí, không phải ai cũng đạt kết quả và sẽ không thể có một mô hình phù hợp với tất cả các cơ quan báo chí.

“Rõ ràng thách thức về mặt quản trị là phải thay đổi cách làm báo, phải thay đổi cách kinh doanh sản phẩm báo chí. Đây là việc vô cùng khó nhưng không thể không làm!”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ TT&TT khuyến khích, đồng thời mong muốn các cơ quan báo chí đưa ra mô hình mới để kinh doanh sản phẩm báo chí. Trong quá trình tìm nguồn thu chính đáng, báo chí không nên bỏ qua bất cứ nguồn lực xã hội nào.

“Tôi không nghĩ rằng các cơ quan báo chí đóng góp vào sự phát triển chung lại bị bỏ lại phía sau. Cơ quan quản lý Nhà nước cam kết đồng hành với các cơ quan báo chí. Với những vấn đề mà từng cơ quan báo chí riêng lẻ rất khó làm thì lúc này cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hỗ trợ”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.