Ngày 19/6, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã có báo cáo, giải trình liên quan đến chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, khi Quốc hội thảo luận nội dung này, chiều mai (20/6-PV), dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, sẽ ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bộ trưởng cho biết, trong cuốn sách, Tổng Bí thư khái quát lại về mặt lý luận, làm sáng tỏ những vấn đề của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối văn hóa của Đảng; về những nhiệm vụ, giải pháp cho văn hóa để tiếp tục phát triển. Theo Bộ trưởng, chưa có ngành nào có nhiều khái niệm như ngành văn hóa, với hơn 500 định nghĩa về văn hóa.
Về ý kiến các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có những danh mục dự án cụ thể trong chương trình, Bộ trưởng VHTT&DL cho biết sẽ tiếp thu và làm việc với Bộ KH&ĐT để làm rõ hơn nội dung này.
Ngoài ra, trước một số băn khoăn về nội dung có trùng lặp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định đã rà soát 3 chương trình mục tiêu quốc gia và không thấy có sự trùng lặp nào.
Về nguồn lực đầu tư, chương trình đề xuất tổng mức đầu tư hơn 256.000 tỷ đồng cho 3 giai đoạn tới năm 2035, theo Bộ trưởng, khi làm phải dựa trên số liệu của Bộ Tài chính, tổng hợp của Bộ KH&ĐT và tính toán lộ trình cụ thể.
Đề cập đến nội dung các đại biểu băn khoăn về đầu tư trung tâm văn hóa ở nước ngoài, Bộ trưởng VHTT&DL cho biết, Quốc hội các khóa trước từng cho phép xây dựng trung tâm văn hóa ở Pháp với mức đầu tư 252 tỷ đồng, trung tâm văn hóa ở Lào mức đầu tư 190 tỷ đồng. Hiện nay, các trung tâm này hoạt động rất tốt, biên chế chỉ có 3 người và nghệ sĩ thì luân phiên nhau sang hoạt động. Đây là nơi dạy tiếng Việt, là ngôi nhà chung của kiều bào Việt Nam, là nơi thể hiện văn hóa.
Bộ trưởng VHTT&DL khẳng định, trung tâm văn hóa chỉ xây dựng ở nơi có đông cộng đồng người Việt Nam và Chính phủ sẽ có báo cáo Quốc hội các dự án cụ thể.
Về ngân sách phân cấp, Bộ VHTT&DL đã đề xuất tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đóng góp trung bình là 24,6% chứ không cào bằng địa phương khó khăn như địa phương có điều kiện.
Thực tế đã có nhiều tỉnh, thành dùng tiền của địa phương mình để đầu tư, phần còn lại bổ sung cho đơn vị khác. Đơn cử như ở Hà Nội, hai năm gần đây Thủ đô quyết chi 15.900 tỷ cho vấn đề nâng cấp, tôn tạo di tích, tỷ lệ này rất cao.
"Chúng tôi sẽ điều chỉnh, tính toán để làm cụ thể, không phải cào bằng tỷ lệ vốn đối ứng 24% từ địa phương khó cũng như địa phương có điều kiện, mà chỉ muốn nói các yêu cầu có tính chất cụ thể như vậy", theo ông Hùng.