Chiều 23/6, Đoàn công tác Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, gần 5 năm Trung ương ra nghị quyết về tinh giản biên chế, nhưng thành phố còn 5.705 biên chế công chức, viên chức dôi dư.
“TP.HCM hiện là địa phương duy nhất trên cả nước còn tồn tại công chức, viên chức dôi dư so với số lượng được Trung ương giao”, Bộ trưởng Nội vụ cho biết.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân thông tin, tổng biên chế công chức Trung ương giao cho thành phố là 10.869 người; nhưng thực tế con số mà HĐND TP duyệt giao là 14.470 người, tức cao hơn gần 3.601 người. Tương tự, số biên chế viên chức mà HĐND giao cho thành phố là 99.985 người/97.881 biên chế Trung ương giao.
Ông Nhân khẳng định con số này “không dư”, lực lượng này đang làm việc tại các sở ngành, quận huyện, phường xã.
Ông minh chứng, số lượng viên chức nhiều do tăng dân số cơ học khiến số lượng bệnh viện, trường học tăng hàng năm dẫn đến tăng nhân sự. Từ đó, thành phố nhiều lần đề xuất Trung ương công nhận số biên chế công chức mà HĐND đã duyệt nhưng chưa được Trung ương xác nhận.
“Nếu không công nhận thì TP.HCM vẫn không khắc phục được. Nếu cắt con số đang dư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thành phố”, ông Nhân nói.
Lý giải số lượng cán bộ dôi dư, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đặc thù của thành phố là có nhiều cơ quan mà địa phương khác không có. Ví dụ như Đội quản lý trật tự đô thị, mỗi địa phương khoảng 50 người, tổng 22 quận/huyện/thành phố thì gần 1.000 người; hay Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng là mô hình duy nhất cả nước gần 400 người.
Không đồng tình với quan điểm này của thành phố, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thống kê: TP.HCM đang dư 3.601 công chức và 2.104 viên chức. Qua đó, người đứng đầu Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc tăng biên chế công chức như mong muốn của TP.HCM là “cực khó khăn” vì Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế của Bộ Chính trị đã “chốt” biên chế ở cả 63 tỉnh, thành.
“Không tỉnh nào có tình trạng như TP.HCM. Đây là phát sinh duy nhất trên toàn quốc, không giải quyết được, làm rõ thì rất căng”, vị Bộ trưởng nói và cho biết Bộ Nội vụ đã lấy biên chế năm 2021 để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương nhằm đổi mới phân cấp, giao quản lý biên chế.
Theo Bộ trưởng, việc dôi dư phải làm rõ bắt đầu từ đâu, nguyên nhân nào, cơ sở ở đâu… để HĐND quyết định giao biên chế công chức vượt quy định; trách nhiệm thuộc về ai, hướng giải quyết thế nào?. Tới đây, Bộ Chính trị sẽ giao biên chế cho các địa phương nên thành phố sẽ phải giải trình, làm rõ nguyên nhân tại sao có sự chênh lệch giữa biên chế công chức thực tế và được giao, sau đó điều chỉnh hợp lý để vận hành chính quyền đô thị.
Từ đó, Bộ trưởng Nội vụ phê bình ngành Nội vụ thành phố không chặt chẽ trong quản lý biên chế, thậm chí “buông lỏng” dẫn đến đây là địa phương duy nhất trên cả nước còn tồn tại tình trạng dôi dư biên chế, dẫn đến chênh với số lượng biên chế mà Thủ tướng giao.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ yêu cầu TP.HCM phải có báo cáo giải trình thật kỹ về số biên chế công chức, viên chứ dôi dư gửi Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ.
Tiếp thu ý kiến của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong tháng 7 sẽ đánh giá toàn diện, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm và đề xuất theo tinh thần làm sao đủ nhân lực thực hiện trách nhiệm, kết hợp với thực hiện nghiêm nghị quyết.
Không thể thành lập Sở An toàn thực phẩm
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, thành phố đang nghiên cứu xin chủ trương nhập hai ban Dân Tộc-Tôn giáo trực thuộc UBND TP. Riêng về Ban quản lý an toàn thực phẩm, đã có 6 năm hoạt động thí điểm, thành phố đã tổng kết và đề xuất thành lập Sở và có đề án cho việc này.
"Thành phố mong Bộ Nội vụ ủng hộ và có định hướng về vấn đề này”, ông Mãi nói.
Trao đổi với lãnh đạo thành phố, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, không thể chuyển Ban quản lý an toàn thực phẩm thành sở, vì không có căn cứ pháp lý. Theo Bộ trưởng, cứ giữ nguyên Ban thì dễ vận hành hơn.
Về Ban dân tộc, vị Bộ trưởng cũng khuyên là không cần đưa về trực thuộc UBND TP, nên đưa về Sở nào đó, ví dụ như Sở Nội vụ…thì phù hợp hơn.
Nói thêm về cơ chế cho TP Thủ Đức, Bộ trưởng Nội vụ cho biết là ủng hộ chủ trương, vấn đề là làm sao vừa đảm bảo nguyên tắc, vừa mang tính đặc thù, đột phá để có động lực phát triển như kỳ vọng.
Hồ Văn