Sáng 23/6, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn đầu đoàn công tác Bộ Nội vụ có buổi làm việc với TP Thủ Đức, TP.HCM.
Nêu ý kiến với đoàn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh cho biết, quy mô dân số của phường là 107.000 người, khối lượng công việc lớn, trong khi chỉ tiêu giao biên chế là 37 người (và hiện chỉ có 34 người) không đáp ứng được công việc.
Vị này cho biết, thời gian qua số cán bộ liên tục giảm. Trước 2019 có 62 người, hiện còn 34 người. “Do áp lực cao, khối lượng công việc lớn nên liên tục có tình trạng cán bộ nộp đơn xin nghỉ việc. Cá biệt có một Phó chủ tịch phường cũng xin nghỉ. Cán bộ phường thường xuyên làm việc đến 8-9h tối và cả thứ bảy, chủ nhật.
Nhiều người nghỉ việc vì không đảm bảo sức khoẻ, nhiều người 7-8h tối phải đưa con lên phường khi làm việc, kèm theo đó là hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng.
“Một số cán bộ công chức phường bị chồng (hoặc vợ) cự nự, thậm chí ly hôn rất phổ biến vì thời gian dành cho gia đình rất ít. Thực tế có người 2-3 năm chưa nghỉ phép, chưa nghỉ thứ 7, chủ nhật”, vị cán bộ này cho biết.
Qua đó, đại diện phường Hiệp Bình Chánh kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng như TP Thủ Đức xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ, công chức cho quận, huyện và phường xã phù hợp với thực tế, không cào bằng.
Đồng quan điểm, một số phường khác cũng đề xuất việc bố trí cán bộ phải phù hợp thực tiễn với từng địa phương.
TP Thủ Đức vẫn chưa có gì khác biệt
Trước đó, Chủ tịch TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho hay, sau hơn 1,5 năm thành lập, TP Thủ Đức cơ bản kiện toàn và tổ chức xong bộ máy chính quyền.
Kinh tế-xã hội dần đi vào ổn định, nhưng vẫn tồn tại nhiều vướng mắc vì hiện nay, TP Thủ Đức thiếu cơ chế đặc thù nên vận hành như cấp huyện.
Qua đó, ông Hoàng Tùng kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ một số vấn đề giúp Thủ Đức đột phá để phát triển như kỳ vọng.
Cụ thể, Thủ Đức cần một cơ chế khác biệt cấp huyện để vận hành với một đô thị lớn, gần 1,2 triệu dân.
Cũng như các phường, ông Tùng cho biết, khối lượng công việc lớn nhưng TP phải giảm 30% biên chế theo quy định là rất khó.
“Đề án tinh gọn bộ máy, giảm người làm theo quy định là 1/3 nhưng chắc chắn không làm được. Thực tiễn 1 năm qua đã cho thấy điều đó. TP Thủ Đức xin giữ bộ máy như trước khi sáp nhập, có thể giảm lãnh đạo cấp phòng, còn công chức cơ bản giữ nguyên”, ông Tùng đề xuất.
Về đề án cơ chế phù hợp cho TP Thủ Đức, dự kiến là 1 chương riêng trong Nghị quyết 54 thay thế. Ông Tùng kỳ vọng cuối năm nay nếu được thông qua thì sau 2 năm sẽ có được cơ chế phù hợp để phát triển.
Theo ông Tùng, cơ chế này là bước đi ban đầu, không thể hoàn chỉnh nhưng phải có gì đó để bắt đầu. Tình hình hiện rất khó đáp ứng được kỳ vọng của TP.HCM khi thành lậpTP Thủ Đức.
Còn Phó bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho hay, sau khi thành lập, TP Thủ Đức chỉ có 2 cái mới, là có HĐND và có thêm phòng KH-CN. Ngoài ra chưa có gì khác, nên quá trình vận hành rất khó khăn.
Nhiều người chưa chắc làm tốt công việc
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, TP Thủ Đức có vị trí địa chính trị, kinh tế, xã hội, năng lực cạnh tranh và dư địa phát triển đúng như mục tiêu. Phát huy được hết năng lực sẽ là động lực đột phá cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, TP Thủ Đức là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên thì việc vận hành có khó khăn, vướng mắc là tất yếu.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, sau 1,5 năm thành lập, Thủ Đức đã làm được nhiều việc, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để vận hành đô thị thông minh.
“Còn khó khăn nhưng là tất yếu, không thể cầu toàn, phải giải quyết từng bước. Khi có mô hình mới thì cố gắng cao nhất nhưng không thể hoàn hảo nhất, mà phải hoàn thiện dần”, theo Bộ trưởng Nội vụ.
Người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng nhận định, nhiều vướng mắc đòi hỏi phải cùng nhau tập trung giải quyết. Tập trung vào những nội dung cốt lõi và xác định trụ cột phát triển của TP Thủ Đức. Từ đó, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chiến lược phát triển phù hợp.
Phải tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt là tạo ra đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc.
“Các đồng chí nói nhiều về tổ chức bộ máy, về nhân lực, nhưng đừng nghĩ nhiều người mới tốt, phải nhận thức ít người nhưng mà tinh. Nếu ứng dụng KH-CN tốt thì mới làm được. Cùng lúc vừa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả mới có thể sắp xếp 3 quận thành thành phố quy mô, dư địa như hiện nay”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh trà khẳng định.
Bộ trưởng cũng cho biết, quan điểm của Bộ Nội vụ cơ bản đồng tình, ủng hộ về chủ trương để có tổ chức bộ máy hợp lý nhưng tinh gọn , sắp xếp bộ máy theo vị trí việc làm để đáp ứng vận hành.
Muốn thế phải vừa có cái phổ biến trong cấp huyện nói chung, phải vừa có cái khác biệt trong chính quyền đô thị nói riêng.
“Chiều nay, trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM chúng ta sẽ bàn thêm các vấn đề này, để làm sao có những cơ chế đột phá, đặc thù giúp TP Thủ Đức phát triển đúng như kỳ vọng khi thành lập thành phố”, Bộ trưởng thông tin thêm.
Hồ Văn