Quốc hội mới đây đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, vấn đề về Quỹ Phòng thủ dân sự còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng 2 phương án.
Phương án 1 như dự thảo Chính phủ trình, đó là: Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong khi yêu cầu tài lực khi có sự cố, thảm họa xảy ra rất lớn, cấp thiết và rất khẩn trương để góp phần hạn chế ảnh hưởng của sự cố, thảm họa.
Hiện nay có nhiều dạng sự cố, thảm họa hiện không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu có Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra.
Phương án 2: "Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa".
Phương án này cho rằng, Quỹ Phòng thủ dân sự chưa làm rõ được khả năng tài chính độc lập, vì nhiệm vụ chi của Quỹ trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của Ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, hiệu quả của Quỹ này sẽ không cao vì khi xảy ra thiên tai sẽ cần kinh phí rất lớn, nên nếu để số dư ở mức nhỏ sẽ không đáp ứng được, nếu dư Quỹ lớn sẽ lãng phí vì không thường xuyên sử dụng, việc khắc phục thiên tai vẫn phải sử dụng ngân sách.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo tán thành với phương án 1, đa số ĐBQH cũng ủng hộ phương án này, bởi tình huống sự cố thảm họa diễn ra bất ngờ, đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong xử lý.
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng: “Việc chuẩn bị các nguồn lực, trong đó nguồn lực tài chính là nguồn lực rất quan trọng, để ứng phó kịp thời với những thảm họa, sự cố xảy ra. Chúng ta không thể để “nước đến chân rồi nhảy không kịp”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý phải quản lý như thế nào để đảm bảo hiệu quả, không để thất thoát”,
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng nói về những cơ sở để thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự.
Bộ trưởng cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra, nhất là ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trực tiếp giao cho quân đội và lực lượng vũ trang cùng với y tế triển khai vào vùng bùng phát dịch mạnh.
Bộ trưởng chia sẻ lại với ĐBQH: "Đầu tiên giao cho quân đội chỉ thành lập các bệnh viện ở tầng 1, rồi đến tầng 2, tầng 3 và tầng cao nhất. Từ tầng 1 lên tầng 2, lên tầng 3 là điều rất khó, không phải ta cứ đi lên là được. Có Bộ trưởng nói với tôi để thành lập một bệnh viện dã chiến 300 giường là cực kỳ khó, có những trang thiết bị phải mua hàng chục tỷ mà lúc đó không mua được".
Trong giai đoạn chống dịch, quân đội đã thiết lập hàng nghìn giường bệnh, lập 16 bệnh viện với quy mô 500 - 1.000 giường ở cả miền Trung như Khánh Hòa; miền Nam như Đồng Nai, TP.HCM hay miền Bắc như Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang…
Đại tướng Phan Văn Giang dẫn chứng, khi Bắc Giang mới bùng phát dịch, Thủ tướng yêu cầu "phải khử khuẩn ngay". "Chúng tôi di chuyển lực lượng, đơn vị chỉ trong một đêm. Ngày hôm sau cách ly người dân, cách ly những người trong khu vực vùng dịch. Nếu chúng ta không có lực lượng dự bị, không chuẩn bị sẵn sàng, không làm được điều này", Bộ trưởng Phan Văn Giang chia sẻ.
Ngoài ra, Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng đảm nhiệm vận chuyển vắc xin đến tất cả mọi vùng miền của Tổ quốc. Bộ trưởng cho biết, Quân đội đã phải huy động phương tiện thuộc lực lượng không quân như máy bay vận tải, trực thăng, bởi ô tô không thể đến vùng giao thông đường bộ không thuận lợi, rồi đến cả đảo gần, đảo xa.
Quân đội cũng đã sử dụng xe cơ động sản xuất oxy cung cấp cho tất cả bệnh viện khi oxy thiếu. “Chuẩn bị từ sớm, từ xa chính là ở chỗ này. Đề nghị các ĐBQH ủng hộ việc lập Quỹ Phòng thủ dân sự cũng như lực lượng dự bị”, Bộ trưởng Quốc phòng nêu.
Bộ trưởng khẳng định "phải cần lực lượng dự bị, phải cần có vốn, có quỹ" nếu lúc đó thảm họa xảy ra mới thành lập ra thì thất bại. Ông cũng nhấn mạnh, việc lập quỹ sẽ không làm tăng biên chế, mà giao Bộ Tài chính quản lý tương tự như Quỹ Vắc xin, do Thủ tướng quyết định.