Giới thiệu dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) cho biết, việc triển khai xây dựng các công trình quốc phòng, khu quân sự được xác định là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội; đây còn là tài sản của Nhà nước, nhằm bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian qua tình hình thế giới, tình hình khu vực diễn biến phức tạp, nên theo ông Đức "Diễn biến đó cho chúng ta rất nhiều bài học, trong đó có việc cần tăng cường xây dựng, bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự để đáp ứng yêu cầu khi có tình huống xảy ra".
Trước đây đã có Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, tuy nhiên trước tình hình mới cần thiết phải nâng cấp pháp lệnh thành luật.
Giới thiệu dự án luật, Thiếu tướng Lưu Quang Vụ, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam) nhấn mạnh, thực tiễn qua các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới gần đây cho thấy, bên cạnh yếu tố về lực lượng và vũ khí trang bị tham gia chiến tranh thì các công trình quốc phòng và khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong tác chiến phòng thủ.
Thiếu tướng Lưu Quang Vụ khẳng định việc xây dựng luật là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của pháp lệnh, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Dự án luật được xây dựng từ giữa năm 2022. Ban soạn thảo đã khảo sát, hội thảo tại 6 tỉnh, thành; lấy ý kiến của 48 ban, bộ, ngành, địa phương; xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài nước.
Theo Thiếu tướng Lưu Quang Vụ, hiện nay toàn bộ hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự có nhiều chỗ xen kẽ. Bộ Quốc phòng đã có số liệu đất quốc phòng bao gồm cả số bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng, thậm chí có chỗ cấp chồng 3 sổ đỏ.
Bộ Quốc phòng đã có phương án đề nghị, nếu giữ lại để sử dụng cho mục đích quốc phòng thì Nhà nước sẽ đền bù, giải tỏa. Đối với những khu vực không có nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng mà ưu tiên để phát triển KT-XH thì sẽ bàn giao lại địa phương.
Dự luật được xây dựng gồm 6 chương, 34 điều; với 4 nhóm chính sách: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự; chuyển mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự; chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và địa bàn khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. |