Quốc hội đã thảo luận về Luật Giá (sửa đổi) hôm 7/11, một số ĐBQH đặt vấn đề khác nhau liên quan đến việc bỏ hay tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Như ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ ở một giai đoạn nhất định, còn trong dài hạn phải nghiên cứu để tiến tới bỏ quỹ này. Bởi thực chất quỹ không phản ánh tính chất bình ổn như thông thường. Có những thời điểm quỹ bị âm và khi giá giảm lại phải trích. Như vậy, không có tác động đến giá xăng dầu.
Hay ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đánh giá, vừa qua điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu “rất có vấn đề”. Một năm qua mặt hàng dầu đã trích lập nhiều hơn nhưng được bù ít hơn, còn xăng trích ít hơn lại được bù giá nhiều hơn từ quỹ. Từ phân tích này, ông Giang đề nghị bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu.
Giải trình về các ý kiến ĐBQH nêu, Bộ trưởng Tài chính cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được lập theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi sau này (Nghị định 83 và Nghị định 95). Như vậy Quỹ này đã tồn tại trước thời điểm Luật Giá 2012 được ban hành.
Thời gian qua khi giá xăng dầu thế giới nhiều biến động, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả, tạo "bước đệm" bình ổn giá và không để giá nhiên liệu trong nước tăng sốc.
Bộ trưởng Tài chính cũng cho hay, một số bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương khi được lấy ý kiến đã đề nghị vẫn duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Do đó, Chính phủ thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu và đưa ra các cơ chế để sử dụng công cụ quỹ này công khai, minh bạch hơn. Vì thế, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) bổ sung quy định và đưa thành một điều riêng về lập Quỹ bình ổn giá.
Chính phủ sẽ đưa ra các quy định cụ thể về quản lý, sử dụng, theo dõi, giám sát và công khai, minh bạch quỹ. Về danh mục bình ổn giá, theo luật hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc điều chỉnh danh mục này. Nhưng ở lần sửa này, dự thảo Luật Giá chỉ nêu nguyên tắc, và giao Chính phủ quy định chi tiết và điều chỉnh danh mục.
Thảo luận ở tổ tuần trước, nhiều ĐBQH không đồng tình, và đề nghị vẫn thực hiện như luật hiện hành. Giải trình, Bộ Tài chính lập luận, bình ổn giá phải mang tính chất thời điểm khi hàng hóa dịch vụ có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, mục tiêu kiểm soát lạm phát..., nên cần được thực hiện kịp thời, nhanh. Thực tế có trường hợp khi phát sinh mặt hàng có biến động lớn cần áp dụng biện pháp bình ổn giá, nhưng không thực hiện được vì không nằm trong danh mục.
Do đó, việc giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định và điều chỉnh danh mục sẽ giúp điều hành linh hoạt, xử lý những vấn đề phát sinh với hàng hoá, dịch vụ cần bình ổn. Ngoài ra, bình ổn giá là một nhiệm vụ về điều hành cụ thể, nên giao cho Chính phủ là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.