Doanh nghiệp phát hành TPDN băn khoăn, nếu họ chưa sử dụng ngay nguồn tiền thu được cho chương trình, dự án đã công bố cho nhà đầu tư mà sử dụng cho mục đích khác thì có bị coi là vi phạm không. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi với Tuần Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tăng cường xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK), điển hình như các vụ Tân Hoàng Minh, Chủ tịch FLC... Ông có thông điệp gì đối với thị trường này, thưa Bộ trưởng?
Gần đây, cơ quan có thẩm quyền đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin, sử dụng vốn huy động không đúng mục đích đã công bố, nhằm tăng cường kỷ luật trên TTCK, hướng đến phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững.
Quan điểm của Chính phủ là khuyến khích phát triển và duy trì TTCK hoạt động ổn định, lành mạnh, liên thông với thị trường tín dụng ngân hàng để cung ứng vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia thị trường gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường.
Việc xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật, bao gồm cả việc tung tin thất thiệt thời gian qua giúp đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu, định hướng phát triển TTCK, thị trường TPDN.
Tại hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện ngay các biện pháp như bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu để phát triển kinh tế đất nước. Ai cố tình vi phạm thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.
Bộ trưởng đánh giá hệ thống pháp luật trên TTCK, trái phiếu đã được ban hành đầy đủ hay chưa? Việc xảy ra các hành vi vi phạm thời gian qua do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ hay còn những nguyên nhân nào khác?
Để tạo nền móng phát triển thị trường, khung pháp lý về TTCK, trái phiếu thường xuyên được hoàn thiện từ cấp luật, nghị định, đến các thông tư và quy chế, quy trình để phù hợp với sự phát triển của thị trường và tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Từ năm 2015 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 18 nghị định, 6 quyết định và ban hành theo thẩm quyền trên 45 thông tư.
Trong đó, tại luật Chứng khoán thế hệ thứ 2 năm 2019 đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó có việc phát triển TTCK, đáp ứng yêu cầu huy động vốn để phát triển kinh tế.
Luật cũng đã bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; đồng thời quy định rõ các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK phù hợp với thông lệ quốc tế, xác định rõ quyền, trách nhiệm của các bên tham gia từ nhà đầu tư, tổ chức phát hành, niêm yết đến các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Trên cơ sở các nội dung được giao quy định chi tiết tại luật Chứng khoán 2019, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng, ban hành và trình Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư để hướng dẫn thi hành luật.
Theo đó, khung pháp luật về chứng khoán đã cơ bản được ban hành đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện cho sự phát triển của TTCK, trong đó công tác giám sát giao dịch, giám sát tuân thủ được tăng cường để đảm bảo thị trường hoạt động ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Mặc dù TTCK, trái phiếu đã có sự tăng trưởng nhanh trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình hình chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao; Một số tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN như tổ chức tư vấn, tổ chức kiểm toán, kế toán, thẩm định giá... không đáp ứng yêu cầu chất lượng và vi phạm đạo đức nghề nghiệp; Còn nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường, mua bán theo tin đồn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; Công tác thanh tra, giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Thời gian qua, cơ quan có thẩm quyền đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin, sử dụng vốn huy động không đúng mục đích đã công bố nhằm tăng cường kỷ luật trên TTCK, hướng đến phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững. Song song với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để khắc phục những tồn tại, bất cập của thị trường.
Đối với doanh nghiệp phát hành, cần có phương án huy động vốn rõ ràng, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Công bố thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch để nhà đầu tư hiểu rõ về mình. Đồng thời tính toán việc huy động vốn đảm bảo khả năng trả nợ, giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Đối với các nhà đầu tư, cần tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia TTCK. Nhà đầu tư TPDN riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; đánh giá đầy đủ các thông tin liên quan đến chứng khoán dự kiến đầu tư, không đầu tư theo tin đồn, sự mời chào của các tổ chức, cá nhân môi giới mà không kiểm chứng thông tin.
Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, cần nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp dịch vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và chuẩn mực nghề nghiệp trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Theo quy định của pháp luật, mục đích phát hành trái phiếu là thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chưa sử dụng ngay nguồn tiền thu được cho chương trình, dự án đã công bố mà sử dụng cho mục đích khác thì có bị coi là vi phạm không?
Theo quy định về phát hành TPDN tại nghị định số 153/2020/NĐ-CP, phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bao gồm mục đích phát hành (gồm thông tin cụ thể về chương trình, dự án đầu tư, các hoạt động sản xuất, kinh doanh cần bổ sung vốn, nguồn vốn được cơ cấu) và kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu từ trái phiếu.
Doanh nghiệp phải công bố thông tin trước đợt phát hành về phương án phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư, trong đó có phương án sử dụng vốn từ huy động trái phiếu, định kỳ phải công bố thông tin về tình hình sử dụng; trường hợp có sự thay đổi so với thông tin đã công bố khi chào bán trái phiếu làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ lãi, gốc trái phiếu thì phải công bố thông tin bất thường.
Thông tin về việc sử dụng vốn trái phiếu trong phương án phát hành là một trong các yếu tố quan trọng để nhà đầu tư xem xét, quyết định trước khi mua trái phiếu và giám sát trong quá trình thực hiện. Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ cam kết sử dụng vốn đã công bố cho nhà đầu tư và đảm bảo cân đối dòng tiền để trả nợ (gốc, lãi) trái phiếu khi tới hạn.
Minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư
Xin Bộ trưởng chia sẻ quan điểm phát triển thị trường vốn trong thời gian tới, các giải pháp hoàn thiện khung khổ pháp lý, kiểm tra giám sát sẽ được triển khai như thế nào? Các giải pháp Bộ Tài chính sẽ thực hiện để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, nhất là sau vụ việc Tân Hoàng Minh?
Để phát triển TTCK ngày càng minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện công tác tổ chức, điều hành thị trường gắn với hoàn thiện khung khổ pháp lý: đối với thị trường cổ phiếu sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường.
Trước mắt tập trung triển khai các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và TTCK vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 như cắt giảm thủ tục hành chính, điều chỉnh giảm giá dịch vụ, các khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.
Đối với TPDN, sẽ phát triển thị trường theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Trước mắt, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại nghị định số 153/2020/NĐ-CP; và kiến nghị Quốc hội rà soát tổng thể các quy định về phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại luật Chứng khoán.
Hai là, tích cực triển khai công tác tái cấu trúc TTCK theo 4 trụ cột là tăng chất lượng của các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, tăng cơ sở nhà đầu tư, tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại tổ chức thị trường. Đối với các tổ chức trung gian thị trường, tập trung vào nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ; khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ triển khai ứng dụng fintech, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường.
Ba là, phát triển nhà đầu tư. Thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm...; đồng thời tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường thông qua công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, tiếp tục mở rộng phạm vi và tần suất giám sát, thanh, kiểm tra; nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, cưỡng chế thực thi để kịp thời phát hiện và hạn chế rủi ro tiềm ẩn trên TTCK.
Theo đó, trong giai đoạn tới, công tác thanh, kiểm tra hoạt động của công ty đại chúng, công ty không đại chúng khi huy động vốn, tăng cường giám sát, tránh hiện tượng thao túng, làm giá nhằm phát triển TTCK theo hướng an toàn, công khai, minh bạch. Trong quá trình xử lý, sẽ thực hiện đúng tinh thần của Thủ tướng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Năm là, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác điều hành và quản lý giám sát TTCK, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng bảo đảm tính công khai, minh bạch trên thị trường vốn, ổn định thị trường tài chính, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tư Giang - Lan Anh