Sáng 4/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời nhóm lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm đó là giải pháp nghiên cứu, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng TN&MT, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) viện dẫn báo cáo của Bộ TN&MT gửi đại biểu trong kỳ họp, đề cập đến công tác thanh tra, kiểm tra luôn được tăng cường nhằm phát hiện các vi phạm và kiến nghị xử lý.
Theo đại biểu đoàn Thái Nguyên, công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, cũng như gây ô nhiễm môi trường. Những vi phạm này cũng được thể chế hóa trong Bộ Luật Hình sự tại điều 227, quy định về tội khai thác tài nguyên trái phép.
“Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ TN&MT kiến nghị xử lý những vi phạm này như thế nào, đặc biệt là những vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự? Giải pháp của bộ trưởng trong thời gian tới trong việc tăng cường công tác thanh tra để xử lý hành vi vi phạm như thế nào?”, đại biểu nêu chất vấn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua, các Bộ TN&MT, Bộ Công an cùng địa phương cũng đã tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động khai thác khoáng sản.
Ông Khánh thông tin, trong 5 năm gần đây, Bộ TN&MT đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra việc tuân thủ các quy định về khoáng sản, với tổng số hơn 900 lượt giấy phép. Qua đó phát hiện hơn 258 tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ TN&MT đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, thanh tra, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết vi phạm chủ yếu trong hoạt động khai thác khoáng sản là chủ dự án về mỏ đã khai thác vượt quá công suất cho phép; khai thác ra ngoài ranh giới nhưng không đảm bảo yêu cầu về môi trường.
“Bộ TN&MT luôn có quan điểm xử lý nghiêm các sai phạm này. Những sai phạm có tính liên tục, tức là sai phạm sau khi xử phạt hành chính sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm”, ông Đặng Quốc Khánh nêu quan điểm của Bộ TN&MT.
Tư lệnh ngành cho biết, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, đảm bảo giỏi về chuyên môn nghiệp vụ cùng các địa phương phối hợp chặt chẽ để xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần làm nghiêm việc này.
Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, các vi phạm về khai thác khoáng sản mà các địa phương ‘bảo là không biết thì không phải’. Bởi theo ông Khánh, hoạt động khai thác khoáng sản rất dễ nhận biết vì phải có ô tô để chở, trang thiết bị hoạt động.
Do vậy, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị các địa phương thực sự quan tâm hơn nữa hoạt động khai thác khoáng sản. “Người đứng đầu các cấp cùng hệ thống chính trị phải giám sát, phát hiện, xử lý sớm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Để từ đó đảm bảo không thất thoát nguồn tài nguyên là tài sản của quốc gia”, ông Khánh nói.
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho biết, một số chủ mỏ hiện nay muốn gia hạn thời gian cấp phép khai thác khoáng sản. “Quy định trước đây, thời gian cấp phép ngắn. Do vậy, khi hết thời hạn, chủ mỏ muốn gia hạn. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào”, đại biểu Thân nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian cấp phép khai thác mỏ tối đa là 30 năm và các mỏ được phép gia hạn nhiều lần nhưng không quá 50 năm. “Điều đó có nghĩa tuổi thọ một mỏ theo luật tối đa là 50 năm”, ông Khánh nói.
Theo người đứng đầu ngành TN&MT, sau thời gian khai thác 30 năm nếu các mỏ còn trữ lượng và chủ mỏ phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, bảo vệ tài nguyên môi trường thì được gia hạn thời gian khai thác.
“Trước khi hết hạn 45 ngày, chủ mỏ phải làm hồ sơ đề xuất xin gia hạn. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền được phân cấp sẽ xem xét hồ sơ. Như vậy, theo quy định của pháp luật, khi chủ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thì được gia hạn khai thác theo quy đinh”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói thêm.