Chiều 21/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án “1 luật sửa 4 luật” - Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Từ thực tiễn điều hành ở địa phương, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nêu mong muốn các luật trên sớm đi vào cuộc sống.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập. Nhiều cán bộ nhà nước vướng vào vòng lao lý cũng có một phần của sự bất cập đó. Nhiều cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm cũng có lý do tương tự.

“Chính vì vậy, các luật có hiệu lực sớm ngày nào thì tình trạng trên sẽ được cải thiện sớm ngày đó”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói và nêu băn khoăn về tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn luật. Đại biểu đề nghị trước khi thông qua luật, cơ quan soạn thảo nên gửi tới Quốc hội những vấn đề có thể phát sinh.

202306090914237415_Nguyễn Trúc Anh   Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.jpg
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh. Ảnh: QH

Dưới góc độ địa phương, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (đoàn Hà Nội) cho rằng, đẩy nhanh hiệu lực thi hành luật sớm 5 tháng giải quyết những tồn tại hiện nay trong thực hiện các vấn đề liên quan đến đất đai.

“Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong xây dựng, thi hành pháp luật. Các dự án luật được thi hành sớm hơn ngày nào sẽ có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội sớm ngày đó”, đại biểu Nguyễn Trúc Anh nói.

Từ thực tiễn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ báo cáo tiến độ, lộ trình xây dựng các văn bản hướng dẫn luật. “Tờ trình của Chính phủ khẳng định, có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn đúng tiến độ. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 tháng, chưa có thêm văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành”, ông Hòa băn khoăn.

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, hiện các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn. Có những doanh nghiệp FDI muốn mở rộng sản xuất nhưng hiện phải dừng lại vì vướng luật. “Bởi vậy, việc ban hành luật càng sớm sẽ càng tốt”, ông Huân khẳng định.

Giải trình vấn đề đại biểu quan tâm,  Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho rằng, đa số ý kiến mong muốn dự luật sớm có hiệu lực. “Các luật này với nhiều chính sách mới sẽ góp phần giải quyết những tồn đọng, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội lâu nay”, ông Khánh nói.

202406211538510799_z5560434708810_683a01dc8df8827c5e3c46bb3952d9db.jpg
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Theo ông Đặng Quốc Khánh, Luật Đất đai có lẽ là luật duy nhất từ trước đến nay được Quốc hội thông qua sau 4 kỳ họp. Trước khi được thông qua (tháng 1/2024) Luật Đất đai đã được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, với 12 triệu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, đa số các điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được quy định cụ thể. Có nhiều nội dung trước đây nằm trong thông tư, nghị định thì bây giờ đã cụ thể hóa trong luật. Do vậy, rất nhiều nội dung trong luật thực hiện ngay mà không phải văn bản hướng dẫn. 

Ông Đặng Quốc Khánh cho biết, ngay từ khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Đất đai từ tháng 1/2024, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan, cơ quan soạn thảo bắt tay vào việc hoàn chỉnh các nghị định, thông tư.

“Có nghĩa là từ khi Quốc hội bấm nút Luật Đất đai, cơ quan soạn thảo và các cơ quan đã xây dựng các nghị định, thông tư theo quy định. Cho nên, ở đây không rút gọn quy trình, chất lượng của các nghị định, thông tư, chỉ rút gọn về mặt hiệu lực thời gian”, ông Khánh nhấn mạnh.