Phát biểu tại tổ Vĩnh Long về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đến y tế cơ sở, Bộ Y tế mong muốn lớn nhất là nâng cao chất lượng khám bệnh chữa bệnh cho người dân, đó là lý do vì sao trong dự thảo luật “lấy người bệnh làm trung tâm”.
Bộ trưởng cũng giải thích thêm một số vấn đề trong dự thảo luật. Về thi cấp chứng chỉ hành nghề, ông cho hay, đến thời điểm hiện nay có lẽ Việt Nam là nước duy nhất không có thi cấp chứng chỉ hành nghề.
“Sinh viên học xong rồi đi thực tập 18 tháng, căn cứ trên những hồ sơ, giấy tờ chúng ta cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, không đánh giá được chất lượng của các bác sĩ khi ra trường như thế nào”, ông Long nói.
Về cơ sở đào tạo ngành y, hiện nay cả nước có 27 trường đào tạo nhưng chất lượng của các trường khác nhau. Ông Long nhấn mạnh, muốn đảm bảo công bằng trong khám, chữa bệnh thì chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng. Vì vậy, thi cấp chứng chỉ hành nghề bước đầu phải đảm bảo chuẩn chung.
Trong dự thảo luật đưa ra và xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp của các bác sĩ và các đối tượng khác. “Việc cấp chứng chỉ hành nghề bắt buộc anh phải tham dự các kỳ thi, có giá trị trong vòng 5 năm. Nhưng để đảm bảo cho việc thuận lợi cũng như tạo mọi điều kiện, đặc biệt khuyến khích với người bác sĩ khi ra hành nghề, anh phải nâng cao năng lực, phải học tập suốt đời", ông Long cho hay.
Dự thảo luật đưa ra 2 cách thức có thể cấp chứng chỉ. Một là, trong giai đoạn 5 năm đó có thể tham gia các hội thảo, chuyển giao các kỹ thuật, có thể triển khai những chuyên môn mới. Hai là, nếu không có những yếu tố trên thì bắt buộc phải học lại, như vậy sẽ đảm bảo một bác sĩ khi ra trường, tốt nghiệp là đã có thể hành nghề được, trong quá trình đó năng lực bác sĩ hành nghề sẽ được nâng lên.
Hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng mô hình Hội đồng y khoa để tổ chức thi. Hội đồng sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi; trung tâm đánh giá năng lực được xây dựng tại các khu vực. Người hành nghề y tự tham gia các kỳ thi hàng năm...
Thừa nhận thời gian qua xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến xã hội hóa y tế, Bộ trưởng cho biết đang xây dựng Nghị định về liên doanh, liên kết trong lĩnh vực này, sớm trình Chính phủ. Ông nói: "Bấy lâu nay vấn đề xã hội hóa đối với y tế bị sai phạm rất nhiều, nên chúng tôi đang xây dựng nghị định liên doanh, liên kết xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để trình sớm với Chính phủ".
Lần này chỉ quy định khung giá, để trên cơ sở đó HĐND địa phương căn cứ vào phân cấp, phân hạng, điểm chấm của cơ sở y tế nhằm quyết định giá trong khung. Việc này vừa khuyến khích, vừa tạo trách nhiệm đối với tỉnh, thành phố.
Nghề y - nghề cao quý nhưng đãi ngộ ra sao?
Ghi nhận nỗ lực của Bộ Y tế đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của ĐBQH trong dự thảo luật, tuy nhiên ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết, đi sâu vào một số quy định bà thấy còn thiếu khá nhiều.
Về chứng chỉ hành nghề 5 năm một lần, bà thống nhất như dự thảo nhưng theo ĐBQH Hội đồng Y khoa công nhận chứng chỉ này nên quy định cụ thể "nếu không trong nghề cãi nhau ai đủ tư cách vào hội đồng này". Bà đề nghị lực lượng chủ đạo của Hội đồng không phải từ các nhà quản lý (Bộ trưởng, Thứ trưởng, các vụ trưởng, cục trưởng, giám đốc sở y tế).
Về cơ chế tài chính của các bệnh viện, bà cho biết mong chờ ở Luật này có một chủ trương ngay từ đầu xem nghề y là nghề cao quý. "Mà là nghề cao quý thì chi phí, đãi ngộ cũng phải coi sao cho được, không thể đánh đồng với những nghề nghiệp khác. Tôi không có chê những nghề khác không cao quý bằng, có điều để các bác sỹ yên tâm công tác thì chúng ta phải tính toán mức lương khởi điểm thế nào, các chế độ đãi ngộ ra sao", bà bày tỏ.
ĐB Lan phân tích, hiện giờ các bệnh viện tự chủ một phần hoặc tự chủ toàn phần. Mà tự chủ tức là nhà nước thu hẹp lại dần chi phí trả lương, bệnh viện phải tự trả lương cho nhân viên. Theo thị trường, bệnh viện nào trả lương cao thì hút chất xám, mời những bác sỹ giỏi.
Góp ý về dự án luật, ĐB Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết, hệ thống y tế chưa bao giờ phải chịu áp lực và khối lượng công việc lớn như 3 năm qua.
Dịch bệnh đặt ra tính cấp thiết phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế. Trong đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân.
Bà Hà cho rằng, về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng chia thành 3 cấp (khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu) là phù hợp.
Tuy nhiên, bà cũng đưa ra nhiều ý kiến để dự án luật phù hợp hơn với thực tiễn. Trong đó cần làm rõ khái niệm y tế cơ sở để có đầu tư cho phù hợp, bởi đây là cấp thực hiện khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân.
"Mặc dù, chúng ta phân thành 3 cấp chuyên môn, nhưng người bệnh không lựa chọn cấp cơ sở, chọn tuyến tỉnh mà chọn trung ương vì được thông tuyến bảo hiểm. Điều này tạo ra tình trạng quá tải ở trung ương, còn địa phương thì vắng. Do vậy, việc sửa đổi cần hướng đến việc giảm quá tải tuyến trên trong khi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân lại chưa được quan tâm.
Cùng với đó, cần chú trọng thực hiện mã định danh của cá nhân để thuận tiện trong theo dõi quá trình khám, chữa bệnh của người dân từ khi sinh ra đến khi chết đi, giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, phân tuyến tốt hơn", ĐB Trần Thị Nhị Hà nêu.
Trần Thường - Thu Hằng