Lời toà soạn
Hiện nay, độ bao phủ BHYT ở nước ta đã trên 93%, phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng, bảo đảm. Chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện, nâng cao. Chính sách BHYT cũng cho thấy tính bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác. Tuy nhiên, trong 15 năm thực hiện Luật BHYT, thực tiễn đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.
VietNamNet đăng tải tuyến bài Tháo gỡ bất cập trong chính sách BHYT nhằm nhận diện những bất cập, khó khăn mang tính cấp bách trong thực tiễn và ghi nhận các hướng tháo gỡ để góp phần bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe; tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Bộ trưởng Y tế vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang trả lời kiến nghị cử tri tỉnh này trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, trong đó có nhiều kiến nghị liên quan mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo đó, cử tri An Giang tiếp tục đề nghị áp dụng việc mua BHYT đối với học sinh theo diện hộ gia đình nhằm giảm bớt chi phí. Trường hợp không thể áp dụng được thì cần quy định đối với trường hợp gia đình có từ 2 con em là học sinh trở lên nên có mức mua BHYT theo thang bậc như diện hộ gia đình. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị miễn mua bảo hiểm y tế đối với học sinh cấp 1, áp dụng tính phí mua BHYT theo thang bậc khi gia đình có nhiều con em đi học đối với học sinh từ cấp 2 đến bậc đại học.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan dẫn quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Bảo hiểm y tế về trách nhiệm đóng BHYT: Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này. Do đó, học sinh, sinh viên không thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, Bộ trưởng Lan khẳng định.
Về các kiến nghị của cử tri An Giang, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế ghi nhận ý kiến đề nghị và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thời gian tới. Điều này nhằm xem xét và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi và giảm bớt chi phí cho các gia đình có nhiều con em đi học.
Thông tin từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, theo quy định hiện nay, học sinh - sinh viên thuộc nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
Từ ngày 1/7/2024, mức đóng BHYT hằng tháng của học sinh - sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, còn lại học sinh - sinh viên tự đóng 70%). Phụ huynh, học sinh - sinh viên có thể linh động lựa chọn đóng theo 3 phương thức gồm 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần. Mức đóng cụ thể như sau:
Phương thức |
Học sinh sinh viên đóng 70% (đồng) |
Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% (đồng) |
Tổng mức đóng BHYT (đồng) |
3 tháng |
221.130 |
94.770 |
315.900 |
6 tháng |
442.260 |
189.540 |
631.800 |
12 tháng |
884.520 |
379.080 |
1.263.000 |
Đề nghị giảm mức đóng BHYT phù hợp
Hiện nay, mức đóng BHYT đối với người tham gia lần đầu là 972.000 đồng/người (theo mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng), theo cử tri An Giang là "cao hơn so với thu nhập, mức sống của một bộ phận người dân". Vì thế, cử tri đề nghị giảm mức đóng BHYT phù hợp để thu hút người dân tham gia BHYT và giảm bớt khó khăn về kinh phí khi tham gia.
Bộ trưởng Y tế cho biết theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng BHYT hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Theo quy định hiện nay, mức đóng BHYT là 4,5%.
Đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng như sau:
- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.
- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất.
- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Theo quy định này, với mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng (trước ngày 1/7/2024), mức đóng của người thứ nhất tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình sẽ là 972.000 đồng/người/năm. Từ sau ngày 1/7/2024, khi điều chỉnh mức lương cơ sở lên 2.340.000 đồng, số tiền này tăng lên 1.263.600 đồng.
Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 4.284 USD/năm. Với phạm vi quyền lợi BHYT được hưởng tương đối đầy đủ, Bộ Y tế đánh giá mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng.
"Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia BHYT để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật", Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng Y tế trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV liên quan việc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện khi mức lương cơ sở tăng.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trả lời kiến nghị của cử tri về giải pháp khắc phục tình trạng sợ sai phạm trong đấu thầu, mua sắm dẫn đến việc thiếu thuốc, vắc xin, thiết bị, vật tư, sinh phẩm, nhất là trong danh mục bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vừa trả lời kiến nghị của cử tri về việc xem xét mở rộng đối tượng được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế đối với vợ và con của thương binh, bệnh binh.