Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã tiến hành triển khai Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Đồng thời, Bộ đã tổ chức phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, báo cáo về dự thảo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2023; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc bổ sung, kiện toàn thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Bộ cũng tham mưu Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023.

Ngày 05/6/2023, Bộ TT&TT tổ chức phiên họp chuyên đề của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số về “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến” để nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng.

Bộ đang thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số (gồm Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số) của bộ, ngành, địa phương năm 2022 theo Công văn số 65/BTTTT-CĐSQG về việc đánh giá DTI 2022. Dự kiến công bố kết quả vào quý III/2023.

Về kết quả cải cách hành chính (CCHC) đối với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, Bộ đã thực hiện việc tham mưu cho Chính phủ, Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Kết quả nổi bật, cụ thể:

Về xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đến tháng 12 năm 2020, 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. 

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị; 9 cơ sở dữ liệu và 13 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương. 

Tính đến ngày 20/5/2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trong tháng 5 năm 2023 là 28.045.703. Trung bình hằng ngày có khoảng 1,47 triệu giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia từ khi khai trương đến nay là hơn 1,3 tỷ giao dịch. 

Tính đến ngày 20/5/2023, đã hỗ trợ hoàn thành kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 20 bộ, ngành và 60 địa phương; kết nối Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với 41 địa phương.

350135750-581893997364072-179486953123782961-n-1.jpeg
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về việc xây dựng các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng Chính phủ điện tử: Hiện Bộ Công an đã vận hành chính thức Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 01/7/2021. Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin. 

Đối với Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam để phục vụ xây dựng tài liệu báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Hướng đến mục tiêu xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm như một cơ sở dữ liệu tham chiếu chung (Master data) cho tất cả các hệ thống phần mềm nghiệp vụ khai thác, đồng thời đáp ứng nhu cầu khai thác, trích xuất thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, tính đến ngày 22/5/2023, trên hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có 35.898.836 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 8.696.362 trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định, 4.905.771 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của bảo hiểm xã hội; 8.810.207 dữ liệu đăng ký kết hôn; 5.441.461 dữ liệu đăng ký khai tử và 9.718.669 dữ liệu khác.

Cơ sở dữ liệu về đất đai cũng tiếp tục triển khai thông qua Dự án “Tăng cường quản  lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (Dự án VILG), đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia.

Hiện nay, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với 217/705 đơn vị cấp huyện với 43 triệu thửa đất đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thường xuyên tại Văn phòng đăng ký đất đai và các chi nhánh của các tỉnh, thành phố. Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu 250 huyện, thuộc 30 tỉnh, thành phố, dự kiến hoàn thành 6/2023.

Về Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 1 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc và không ngừng được hoàn thiện…

Trong công tác xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp, 5 tháng đầu năm 2023, số lượng văn bản điện tử, gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia khoảng 2,9 triệu văn bản. Tính đến nay đã có hơn 22,5 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục.

Đến nay, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã phục vụ 74 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.626 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 566 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã xây dựng Infographic báo cáo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023. Hoàn thiện dự thảo và tổ chức hội thảo lấy ý kiến của bộ, ngành, địa phương về khung Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành trong các cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Tiếp tục xây dựng kho dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong tháng 5 năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ- CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Được biết, tính đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.419 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 7 triệu tài khoản đăng ký; hơn 203 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 15,9 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 14,9 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng; hơn 9,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 5,523 nghìn tỷ đồng; hơn 299 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.

Công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử tiếp tục được đẩy mạnh. Theo đó, trong tháng 5 năm 2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 695 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 39,6% so với tháng 4/2023, giảm 17,9% so với cùng kỳ tháng 5/2022.

Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường công tác giám sát an toàn hệ thống thông tin, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết, phòng tránh; tiếp tục có các văn bản cảnh báo cho các bộ, ngành, địa phương và các thành viên trong mạng lưới ứng cứu sự cố để đôn đốc việc rà soát điểm yếu lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.

Thuý Lê