Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Liên quan đến vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, Bộ Xây dựng cho biết, tại Thông báo số 2101/TB-TTKQH ngày 21/3 và Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 1546/BC-UBPL15 ngày 16/3, cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật đều đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Trên cơ sở kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng nhận thấy, đây là vấn đề nhạy cảm, có tác động lớn đến xã hội và còn những ý kiến chưa thống nhất, Bộ Xây dựng đề nghị tiếp thu, không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (bỏ các Điều 25, 26 quy định về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư).
Tuy nhiên, có bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.
Thêm ‘giấy phép con’?
Tại bản dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mới nhất trình Thủ tướng Chính phủ, Điều 39 dự thảo quy định về thực hiện dự án nhà ở thương mại, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất: Chỉ được bàn giao nhà ở cho người mua sau khi đã hoàn thành nghiệm thu toàn bộ công trình nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật của khu vực có nhà ở. Trường hợp bàn giao nhà chung cư là công trình cấp đặc biệt, cấp I thì chủ đầu tư phải có thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương; trường hợp bàn giao nhà chung cư còn lại thì phải có thông báo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh.
Theo ThS. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản, quy định trên tại dự thảo sẽ làm phát sinh thêm một “giấy phép con” là “thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở chung cư” của cơ quan quản lý nhà ở, đây là một thủ tục hành chính hoàn toàn mới, không có trong Luật Nhà ở năm 2014.
Ông Đỉnh phân tích, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định nhà chung cư thuộc danh mục “công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng”. Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định với “công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng” thì bắt buộc phải có “văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu” của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành hoặc thuộc UBND cấp tỉnh theo pháp luật về xây dựng.
“Như vậy, để hoàn thành thủ tục nghiệm thu và đủ điều kiện bàn giao căn hộ chung cư cho khách hàng, chủ đầu tư dự án chung cư phải có 2 loại “giấy phép” do cùng một cấp hành chính ban hành” – ông Đỉnh nói.
Tức là, nếu là nhà chung cư cấp đặc biệt, cấp I thì chủ đầu tư trước tiên phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình - Bộ Xây dựng, tiếp đến phải có thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương (là Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng)…
“Như vậy 2 loại “giấy phép” đều do cùng một cơ quan ban hành nhưng theo 2 thủ tục hành chính khác nhau, quy định bởi 2 đạo luật khác nhau (một thủ tục theo Luật Xây dựng, một thủ tục theo Luật Nhà ở)” – ông Đỉnh cho hay.
Cũng theo vị chuyên gia pháp lý bất động sản, việc phân cấp công trình hiện nay thực hiện theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD (gọi tắt Thông tư 06) của Bộ Xây dựng. Trong đó, nhà chung cư được phân cấp theo Phụ lục II Thông tư 06: Công trình cấp đặc biệt có chiều cao trên 50 tầng; công trình cấp I có chiều cao từ 25-50 tầng.
“Nếu quy định như tại khoản 4 Điều 39 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ dẫn đến tất cả các tòa nhà chung cư cao từ 25 tầng trở lên (cấp I hoặc cấp đặc biệt) bắt buộc phải có thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng), gây chậm trễ bàn giao căn hộ cho khách hàng. Trong khi loại hình nhà chung cư cao 25 tầng trở lên hiện nay ngày càng phổ biến trong cả nước” – ông Đỉnh đánh giá.
Với đề xuất trên, Ông Đỉnh cho rằng, cần có báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Trong khi hồ sơ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa có đánh giá tác động ở chính sách này. Mặt khác, cũng cần có báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính khi cơ quan soạn thảo đặt ra thủ tục hành chính mới.