Việc thành lập các đoàn thanh tra trên thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. 

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ chủ trì xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các địa phương thanh tra toàn diện đối với hoạt động quản lý xây dựng chung cư mini. 

Đối với các tỉnh, thành phố còn lại Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng trực thuộc tiến hành thanh tra (theo đề cương hướng dẫn của Thanh tra Bộ) và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Xây dựng trong tháng 12/2023 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"Việc thanh tra toàn diện mục đích để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật (nếu có). Bộ Xây dựng cũng sẽ tiến hành rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về xây dựng, quản lý loại hình nhà ở riêng lẻ, nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tế hiện nay", Bộ Xây dựng cho biết.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, bảo đảm an toàn, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân. 

W-chung-cu-mini-vietnamnet.jpg
Hà Nội hiện có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ. (Ảnh: Hồng Khanh)

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tổ chức thanh tra toàn diện đối với hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 12/2023.

2 phương án phát triển chung cư mini

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Hà Nội hiện có khoảng 2.000 chung cư mini. Thống kê của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 42.000 nhà trọ kiểu chung cư mini. 

Bộ Xây dựng đánh giá, số lượng loại hình nhà ở này tại các đô thị lớn hiện nay là tương đối nhiều, đã góp phần đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở cho một bộ phận người dân, công nhân, sinh viên, hộ gia đình trẻ tại các đô thị lớn, các khu công nghiệp có thu nhập thấp, không có đủ khả năng tài chính để mua nhà ở tại các dự án thương mại. 

Tuy nhiên, Bộ cũng chỉ ra việc đầu tư xây dựng loại hình nhà ở này trên thực tế chưa đáp ứng các quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể gây mất an ninh trật tự, nguy cơ cháy nổ cao. 

Mới đây, tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ, Bộ Xây dựng đã nêu ra 2 phương án về phát triển chung cư mini. Trong đó, Bộ đề xuất chọn phương án 1. 

Cụ thể: Đối với trường hợp xây chung cư mini để bán, cho thuê mua căn hộ, Bộ đề nghị hộ gia đình, cá nhân xây dựng phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở. Việc đầu tư xây dựng cũng thực hiện theo quy định giống với dự án nhà ở. 

Ngoài ra, việc bán, cho thuê mua căn hộ thực hiện theo quy định về kinh doanh bất động sản. Việc cấp giấy chứng nhận đối với từng căn hộ được thực hiện theo quy định về đất đai.

Trường hợp xây chung cư mini để cho thuê, chủ nhà phải tuân thủ theo quy định đầu tư xây dựng như nhà riêng lẻ. Việc quản lý an toàn phòng cháy chữa cháy áp dụng theo quy định với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. 

Về việc quản lý, vận hành chung cư mini, thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ trưởng Xây dựng ban hành.

2 phương án phát triển chung cư miniBộ Xây dựng vừa có báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ. Tại báo cáo này, Bộ nêu ra 2 phương án về phát triển nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ (còn gọi là chung cư mini).