Thông tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện giá cá tra nguyên liệu cỡ 0,7-0,8 kg/con dao động ở mức 31.000-32.500 đồng/kg; cỡ 1-1,2 ký/con dao động mức 32.000-34.500 đồng/kg. So với cùng kỳ, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 8.000-10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021.
Mức giá này cũng phá đỉnh lịch sử năm 2018 (giá 33.000-34.000 đồng/kg), giúp người nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long thu lãi khá cao sau một thời gian dài chịu cảnh thua lỗ.
Đơn vị này cũng cho biết, giá cá nguyên liệu tăng mạnh kéo giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình cũng tăng lên mức từ 3,2-3,4 USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Mỹ cao nhất và tăng mạnh lên tới hơn 4,5 USD/kg. Giá này cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019.
Giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình đi thị trường Trung Quốc cũng cao hơn hẳn so với năm ngoái, dao động từ 2,4-3,25 USD/kg.
Tương tự, giá phile cá đông lạnh xuất khẩu sang thị trường EU cũng khả quan, từ 2,9-3,45 USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu đi thị trường Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha cũng tăng và ổn định so với cùng kỳ năm 2021.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT mới đây cũng nêu rõ, xuất khẩu cá tra tăng mạnh ở tất cả các thị trường. Tính đến hết tháng 4/2022, xuất khẩu cá tra đạt 894 triệu USD, tăng 89,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng trưởng tốt nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ngành Nông nghiệp trong 4 tháng đầu năm nay.
Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, trong năm 2022, sản lượng cá thương phẩm ước đạt 1,6-1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD. Còn trong quý II năm nay, dự báo xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn đều giữ mức tăng trưởng dương. Tình trạng khan hiếm cá tra nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới ít nhất là hết quý II/2022.
Tâm An