Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Vũ Di (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã chung sức, đồng lòng tập trung huy động, vận dụng mọi nguồn lực cho nhiệm vụ hoàn thành xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Xã Vũ Di có diện tích 3.78km2, nằm ở trung tâm huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), có đường quốc lộ 2C chạy qua. Đây là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, lịch sử, là quê hương của hai vị anh hùng lừng danh Đội Cấn và Lê Xoay - những người đã có công lớn trong xây dựng, bảo vệ đất nước.
Vũ Di có rất nhiều những bức tranh bích họa đầy màu sắc. Những bức tường cũ kỹ, nhàm chán giờ đây được thay bằng những hình ảnh sinh động về làng quê, đất nước, góp phần tô điểm cho cảnh sắc quê hương. Đến nay, xã đã được trao bằng công nhận về nông thôn mới kiểu mẫu. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng và cải tạo, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
100% đường làng ngõ, xóm được bê tông hóa, có rãnh thoát nước thải, điện chiếu sáng đến từng ngõ ngách. Xã Vũ Di giờ đây nhà cao tầng mọc lên san sát, nhiều ngôi nhà mang diện mạo đầy khang trang, hiện đại.
Rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình được tổ vệ sinh môi trường của xã trực tiếp thu gom và đưa đi xử lý. Hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường được đầu tư mới hoàn toàn, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đáp ứng được nhu sử dụng, cầu đi lại thuận tiện vào buổi tối của người dân. Trên một số tuyến đường, đèn cảnh báo giao thông còn được lắp đặt tấm năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm điện năng mà vẫn thân thiện với môi trường.
Người dân tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 trong giao thương, buôn bán. Hầu hết hộ sản xuất kinh doanh đều sử dụng phương thức thanh toán bằng mã QR bên cạnh thanh toán tiền mặt. Bà Nguyễn Thị Bảo (58 tuổi) cho biết, từ khi cửa hàng của bà áp dụng quét mã QR, việc buôn bán đã trở nên thuận lợi hơn nhiều, doanh thu cũng vì thế tăng lên. "Khách quét mã chiếm phần lớn nên tôi dễ kiểm kê, đối chiếu doanh thu hàng ngày hơn, đồng thời không phải lo ngại bị nhầm lẫn tiền mặt", bà Bảo nói.
Xã Vũ Di chỉ đạo tập trung ưu tiên phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Toàn xã có 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực là bí đỏ và thanh long ruột đỏ với tổng diện tích trồng hơn 22ha. Trong ảnh, vườn thanh long đang được vợ anh Nguyễn Xuân Hiên chăm sóc, cắt tỉa để chuẩn bị cho vụ mới. Cây thanh long đã mang lại cho gia đình anh chị thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.
Hệ thống camera an ninh đã phủ khắp các xóm; các địa điểm công cộng và các hộ dân cũng phủ sóng 3G, 4G; gần 70% công dân trưởng thành có tài khoản thanh toán trực tuyến; 100% dân số được quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. Đa số hộ dân đã gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số, xác định vị trí tọa độ trên GPS để kết hợp với các dịch vụ tiện ích khác như bản đồ dịch tễ, bản đồ vùng an toàn dịch bệnh, bản đồ du lịch, bản đồ giáo dục…
Hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là một trong những thành tựu nổi bật mang lại cho xã Vũ Di bước ngoặt mới. Nhờ đó đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, từng bước đưa địa phương này trở thành một trong những xã tiêu biểu của huyện Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.