Cụ thể, theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tháng 5/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt 20.726 xe, giảm 8% so với tháng 4 trước đó và giảm 53% so với tháng 5 cùng kỳ năm ngoái.
Đây là tháng thứ hai sau ba tháng thị trường liên tiếp tăng trưởng "leo dốc". Sức mua giảm trái ngược với thói quen tiêu dùng vốn tăng khi vào hè đã cho thấy "sức khoẻ" kém của thị trường ô tô Việt vẫn khó vực dậy được sau những "đợt sóng" khủng hoảng tài chính bất động sản và tín dụng ngân hàng.
Trong tổng số 20.726 xe đã bán được trong tháng 5, doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 12.079 xe (giảm 9% so với tháng trước) và xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.647 xe (giảm 5%).
Nếu cộng cả doanh số bán hàng của TC Group trong tháng 5 là 3.575 xe (giảm 22,14% so với tháng 4) và Vinfast bán 2.996 xe (giảm 21,11%), thị trường ô tô Việt đã có tổng cộng 27.297 xe bán tới tay khách hàng.
Trong bảng danh sách các thương hiệu thuộc VAMA, phần lớn là các con số tăng trưởng "âm" được ghi nhận trong tháng 5, ngoại trừ một vài cái tên tăng nhẹ như Mitsubishi (tăng 6% so với tháng 4), KIA (tăng 1%), Mazda (tăng 6%).
Nguyên nhân chính kết quả "nguội lạnh" của toàn thị trường chủ yếu là do nhu cầu người mua giảm mạnh, bất chấp các hãng xe liên tục tung khuyến mại giảm giá, hoặc tặng lệ phí trước bạ (từ 50% đến 100%), nhất là với các xe sản xuất còn tồn từ 2022.
Theo báo cáo VAMA và TC Group, thương hiệu Toyota (bán 3.734 xe) đã trở lại ngôi vị dẫn đầu trong tháng 5/2023 sau một tháng bị Hyundai vượt lên. Đứng ở vị trí số 3 tiếp tục là Vinfast (2.996 xe), vị trí số 4 là KIA (bán 2.695 xe) thay thế cho Ford của tháng trước. Ford tụt một bậc xuống vị trí số 5 với 2.336 xe.
Dự đoán thị trường ô tô Việt Nam chỉ có thể khởi sắc bắt đầu từ tháng 7 tới đây sau khi lệ phí trước bạ được chính thức ưu đãi giảm 50%. Bên cạnh cú "kích cầu" từ Chính phủ, các hãng xe đều đang trong tâm thế sẵn sàng giữ ưu đãi quà tặng, giảm giá để đẩy nhanh hàng tồn khó tiêu thụ.