Dữ liệu liên bang cho thấy, ByteDance đã có quý vận động hành lang “tích cực” nhất từ trước tới nay, khi lần đầu tiên kinh phí đạt mức 2 triệu USD. Trước đó, trong cả năm 2021, công ty đã chi tổng cộng 4,7 triệu USD cho các hoạt động này.
Công ty đến từ Trung Quốc đã phải vận động chính sách trong nhiều vấn đề. Một trong số đó là đạo luật Đổi mới và Lựa chọn trực tuyến của người Mỹ, dự luật chống độc quyền chủ chốt nhằm vào các nền tảng công nghệ đang thống trị thị phần. Ngoài ra, còn có dự luật ngân sách lớn tăng cường sức cạnh tranh Mỹ với Trung Quốc, một số dự luật liên quan quyền riêng tư online, dự luật chi tiêu quốc phòng và dự luật cấm TikTok trên các thiết bị của Bộ An ninh nội địa.
Theo hồ sơ, ByteDance đã liên hệ với cả 2 viện trong Quốc hội Mỹ, cũng như các cơ quan hành pháp gồm Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Điều hành của Tổng thống.
Hiện nhiều nhà lập pháp tại Mỹ đang hoài nghi về mức độ an toàn dữ liệu người dùng của nước này, khi cho rằng Bắc Kinh có thể yêu cầu ByteDance phải giao nộp các thông tin có liên quan.
Mặc dù TikTok cho biết, họ không lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ ở Trung Quốc và cũng sẽ không cung cấp những thông tin đó cho Bắc Kinh, nhưng gần đây đã xuất hiện nhiều thông tin về việc các nhân viên ByteDance ở đại lục vẫn có thể truy cập vào dữ liệu nhạy cảm người dùng tại Mỹ.
“Hiện công ty vẫn đang sử dụng các trung tâm dữ liệu tại Mỹ và Singapore để sao lưu, nhưng chúng tôi hi vọng sẽ sớm loại bỏ các dữ liệu nhạy cảm của người dùng tại Mỹ ra khỏi các trung tâm dữ liệu và chuyển toàn bộ thông tin sang các máy chủ đám mây của Oracle đặt trên lãnh thổ nước Mỹ”, nền tảng chia sẻ video khẳng định.
Vinh Ngô (Theo CNBC)