Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2022 cả nước có 2,79 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên.
Trong đó, có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 1 đến dưới 3 tháng, 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi.
Số người đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc. Việc chậm đóng BHXH diễn ra ở tất cả các loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng.
Hà Nội dẫn đầu về tỷ lệ doanh nghiệp chậm đóng BHXH với 3.660 tỷ đồng. Tiếp đến là TP.HCM hơn 3.400 tỷ đồng, Hải Phòng 591 tỷ đồng và Cà Mau 86 tỷ đồng.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, trong số gần 213.400 lao động bị ảnh hưởng có trường hợp giải quyết BHXH một lần, có người đã hưởng hưu trí và phần lớn tiếp tục đóng bảo hiểm khi chuyển cơ quan.
Số lao động này không thể chờ đợi doanh nghiệp hoạt động trở lại hay có nguồn chi nên đã chuyển việc sang doanh nghiệp khác để tiếp tục tham gia hệ thống BHXH.
Với những trường hợp trên, sau này nếu doanh nghiệp có nguồn kinh phí đóng bù thì cơ quan BHXH sẽ cập nhật quãng thời gian bị nợ đóng để đảm bảo quyền lợi cho lao động.
BHXH Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH về hướng giải quyết với gần 213.400 lao động bị doanh nghiệp nợ BHXH khó thu hồi.
Do lao động đang gặp nhiều khó khăn, có nhu cầu hưởng bảo hiểm và tự nguyện đóng nộp để hưởng chế độ nên cần giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội sớm ban hành nghị quyết về xử lý nợ BHXH với doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam, dừng hoạt động, chờ giải thể, phá sản không còn khả năng trả nợ BHXH.