Chip được dùng trong mọi thứ, từ xe hơi, game console tới máy giặt, bàn chải điện. Chúng là một phần huyết mạch của kinh tế toàn cầu, là thành phần không thể thiếu trong các ngành công nghiệp lớn nhất thế giới. Song, chúng đang trong cuộc khủng hoảng nguồn cung trầm trọng, nguy cơ kéo dài đến năm 2023.
Do nhu cầu nhiều loại thiết bị tăng, các hãng đua nhau mua sắm linh kiện, dẫn tới năng lực sản xuất chip không đủ đáp ứng. Các nhà sản xuất chip cũng tăng giá và điều chỉnh dòng sản phẩm để bảo đảm lợi nhuận.
Khoảng 57% doanh thu gia công chip trong quý I đến từ TSMC của Đài Loan. Công ty ghi nhận doanh thu đạt 12,9 tỷ USD trong cùng kỳ, tăng 2% so với một năm trước. Mỹ và Liên minh Châu Âu bày tỏ muốn tự cường bán dẫn khi phần lớn chip của thế giới sản xuất tại châu Á.
Các dòng chip 7, 12 và 16nm là át chủ bài của TSMC. Doanh thu từ gia công chip 7nm tăng ổn định nhờ đơn hàng của AMD, MediaTek, Qualcomm, doanh số tăng 23%. Tuy nhiên, doanh thu từ chip 5nm hiện đại nhất lại giảm, nguyên nhân vì khách hàng chính, Apple, bước vào giai đoạn sản xuất thấp điểm.
Trong khi đó, doanh thu của Samsung lại giảm 2% xuống 4,1 tỷ USD. Đó là vì cơn bão tháng 2 tại Texas (Mỹ) gây mất điện tại Austin, buộc công ty phải tạm dừng sản xuất tại một trong các nhà máy trong bang. Tập đoàn sản xuất chip UMC của Đài Loan ghi nhận doanh thu quý tăng 5%, đạt 1,6 tỷ USD, còn SMIC của Trung Quốc tăng 15% lên 1,1 tỷ USD.
TrendForce dự đoán ngành gia công chip còn tiếp tục tăng trưởng do giá chip tăng và nhu cầu ổn định. Hãng cho biết, tổng doanh thu của top 10 sẽ một lần nữa đạt mức kỷ lục trong quý II với mức tăng 1 đến 3%.
Du Lam (Theo CNBC)
Dell, HP: Khủng hoảng chip ảnh hưởng nguồn cung PC năm nay
Hai nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới cảnh báo khó khăn trong đáp ứng nhu cầu khách hàng do khủng hoảng chip gây ra.